Chàng cử nhân công nghệ thông tin thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi dúi

Khánh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng nam cử nhân 9x ở Quảng Nam vẫn quyết định về quê mở trang trại nuôi dúi thương phẩm, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Từng khởi nghiệp thất bại

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng), Huỳnh Lê Việt (sinh năm 1993, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) quyết định đi lính nghĩa vụ Công an Nhân dân để theo đuổi con đường trở thành một chiến sĩ công an. Tuy nhiên, sau 3 năm đi lính, Việt nhận thấy bản thân còn nhiều khiếm khuyết, không phù hợp với môi trường quân ngũ nên quyết định xin về, bắt đầu tìm kiếm một công việc mới.

Năm 2020, cơ duyên đến với Việt khi anh tình cờ xem một video trên mạng internet về trang trại nuôi dúi. Lập tức, Việt bị thu hút bởi loài động vật hoang dã thuần chủng này. Bởi theo giới thiệu của chủ trang trại thì dúi rất dễ nuôi, ít bệnh tật và không cần bỏ ra chi phí lớn nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ nuôi dúi, mỗi năm anh Việt thu về hàng trăm triệu đồng.
Nhờ nuôi dúi, mỗi năm anh Việt thu về hàng trăm triệu đồng.

“Lúc còn nhỏ tôi cũng thích nuôi các loài động vật nên khi biết đến con dúi, nhận thấy con vật này khá dễ nuôi, không ảnh hưởng gì đến môi trường mà đặc biệt là thu nhập khá cao, nguồn cung không đủ cầu nên quyết tâm khởi nghiệp với con dúi này” - Việt nói.

Sau khi tìm hiểu, Việt mua dúi về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh có ý định nuôi dúi rừng mà người dân săn bắt được, nhưng không hiệu quả bởi việc cho dúi tự nhiên thích nghi với môi trường nuôi nhốt rất khó. Không bỏ cuộc, Việt tìm hiểu và lặn lội đi tìm mua dúi giống thương phẩm tiếp tục nuôi thử nghiệm.

Nhờ quá trình tìm hiểu về cách chăn nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng, dúi của Việt phát triển tốt, sinh sản được. Từ vài chục cặp dúi sinh sản ban đầu, nay Việt đã nhân đàn lên hơn 350 con, trong đó có hơn 100 cặp dúi bố mẹ sinh sản. Quy mô trang trại cũng dần dần được mở rộng.

Theo Việt, ban đầu nuôi thử nghiệm, toàn bộ vốn đều từ tiền tích góp được. Sau khi xác định được nuôi dúi có nhiều cơ hội thành công, anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi dúi và các loại máy móc cấp ẩm, quạt gió làm khô thoáng không khí trại nuôi.

Dúi có thể cho ở tập thể chung một chuồng.
Dúi có thể cho ở tập thể chung một chuồng.

“Lúc bắt đầu làm do chưa có kinh nghiệm cộng thêm dịch Covid-19 bùng phát đành phải ở nhà, không quán xuyến được trang trại kĩ càng nên dẫn đến thất bại. Nhưng tôi không bỏ cuộc, trong khoảng thời gian này, tôi mày mò học hỏi, trao đổi với các anh chị đã nuôi trước để hiểu hơn về con dúi. Qua dịch, tôi bắt tay làm lại và đến nay cũng có một chút thành quả”, anh Việt chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm đồng hành với loài “ăn đêm, ngủ ngày” này, Việt cho biết: “Dúi rất dễ nuôi, ăn rất ít, mỗi ngày chỉ cần một thanh tre nhỏ bằng hai ngón tay, hoặc một củ khoai, nửa củ sắn, thêm vài hạt bắp là đủ. Khẩu phần nước uống mỗi ngày của một con dúi là một đoạn mía dài không quá 5cm. Vậy nên, hàng ngày không cần phải cho dúi uống nước nữa”.

Chuồng trại nuôi dúi cũng khá đơn giản, chỉ cần 4 viên gạch men vuông 50cm được dựng lên, ghép lại và kết dính bằng keo dán là được một ô vuông, nhốt 1- 2 con dúi. Chuồng cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào và gió lùa. Phía trên chuồng lợp tôn, giăng lưới che để chống nhiệt, nền chuồng được lót xi măng để thuận tiện vệ sinh và tránh dúi đào hang trốn đi.

Chuồng trại nuôi dúi của anh Việt được khép kín, kiên cố.
Chuồng trại nuôi dúi của anh Việt được khép kín, kiên cố.

“Cái hay của dúi là phân nó giống mùn cưa, không có mùi hôi tanh nên có thể nuôi ở nhiều nơi. Dúi là loài động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ..., có thể tự trồng nên chủ động được lại ít tốn kém. Để tránh trường hợp giao phối cận huyết, người nuôi cần đánh số chuồng dúi, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng”- Việt chia sẻ kinh nghiệm.

Trở thành triệu phú nhờ nuôi dúi

Hiện trại dúi Đại Hiệp của Việt bắt đầu cung ứng giống cho các cơ sở gầy nuôi từ năm 2022. Có thời điểm trại xuất bán dúi bố mẹ sinh sản lên tới vài chục cặp. Dúi sinh sản có thể bán giống ở nhiều lứa tuổi, tùy theo yêu cầu của khách.

Dúi giống nuôi 8 tháng là trưởng thành, bắt đầu đẻ lứa đầu, thời gian khai thác nái từ 4-5 năm, thậm chí có con nái khai thác được đến 6 năm, mỗi năm đẻ khoảng 3 - 4 lần, 3 - 5 con/lần đẻ. Dúi thịt thì hơn 10 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con hoặc hơn 1 năm thì đạt trọng lượng từ 2,5 - 2,6kg/con. Hiện nay dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng/kg, dúi giống từ 2,5 - 3 triệu đồng/cặp giống.

Trại dúi Đại Hiệp của anh Việt là một trong những địa điểm cung ứng dúi sinh sản lớn của huyện Đại Lộc.
Trại dúi Đại Hiệp của anh Việt là một trong những địa điểm cung ứng dúi sinh sản lớn của huyện Đại Lộc.

“Hiện nay nguồn cung không đủ cầu, thương lái đi gom dúi thương phẩm rất nhiều, có nhiều người còn sẵn sàng đặt cọc trước để giữ chỗ. Thu nhập từ trại dúi của tôi trung bình mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi hoặc xây dựng một số vệ tinh có liên kết. Trại sẽ đứng ra cung ứng giống, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho cơ sở vệ tinh. Người chăn nuôi khi mua giống tại trại được đảm bảo về nguồn giống chuẩn, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng” - Việt cho hay.

Hiện Việt đang thành thành viên của Tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc do anh Huỳnh Thế Toàn, Bí thư huyện đoàn Đại Lộc là tổ trưởng. Tham gia tổ, các thành viên sẽ được cung cấp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi từ các thành viên đi trước giàu kinh nghiệm.

“Với sự năng động của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh Việt đã thành công khi xây dựng được mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Tuy mới vào nghề nhưng trang trại nuôi dúi của Việt hiện là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nhất của tổ. Hiệu quả từ mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho nhiều hộ dân ở địa phương cũng như toàn huyện. Huyện đoàn cũng có nhiều chương trình, hỗ trợ, khuyến khích các bạn thanh niên đến tham quan học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng nghề nuôi dúi nhằm nâng cao thu nhập” – Anh Huỳnh Thế Toàn - Bí thư huyện đoàn Đại Lộc, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần