KTĐT - Làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm gia dụng, mà còn mang tính nghệ thuật. Tính đến nay, làng chỉ còn một người duy nhất sử dụng phương pháp vuốt nặn gốm bằng tay truyền thống, đó là Phạm Anh Đạo (ảnh), chàng trai khiếm thính nặng lòng với gốm vuốt cổ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chàng trai tài hoa và "yêu gốm".
- Sinh ra trong một gia đình nhiều đời theo nghề làm gốm, sau một đợt bạo bệnh đã khiến anh mất hoàn toàn thính giác. Chưa học hết lớp 6, anh phải nghỉ học vì không theo học kịp các bạn cùng lớp do giao tiếp rất khó khăn. Đó là những thiệt thòi, nhưng có phải đấy cũng là cơ duyên để anh đến với gốm vuốt tay?
Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ trở thành một người vô dụng, bởi sự hạn chế trong việc giao tiếp với thế giới xung quanh. Sau một thời gian nghỉ học ở nhà làm gốm, năm 17 tuổi, tôi xin vào làm ở Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Ở đây, tôi được truyền dạy những phương pháp cũng nhưkinh nghiệm khác nhau về nghề. Sau này, tôi được giao công việc làm cốt để đúc khuôn. Tuy vậy, tôi luôn nghĩ và tìm cho mình một phương pháp làm gốm riêng. Ở làng gốm Bát Tràng, mỗi người thợ, mỗi một gia đình làm nghề gốm đều có sở trường riêng để làm nên "thương hiệu" như: nghệ nhân Trần Độ thì đi tìm và chế tác men gốm cổ, nghệ nhân Nguyễn Hưng thì sáng tạo ra men gốm kết tinh… Hàng ngày, sau những giờ làm ởxí nghiệp, thấy phương pháp làm gốm bằng khuôn tuy nhanh, nhưng nghệ nhân chỉ như những người thợ, tôi đã tự mình học cách vuốt nặn gốm bằng tay. Năm 2002, tôi xin nghỉ làm ở Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng khi đã xác định được hướng đi cho mình, tôi xin bố mẹ mở cho một xưởng gốm ngay tại nhà và bắt đầu công việc cho đến hôm nay.
- Khi bắt đầu làm gốm vuốt tay, anh có gặp khó khăn gì ?
Khi quyết tâm sử dụng phương pháp nặn gốm bằng tay, tôi đã gặp không ít khó khăn, bởi đã từ rất lâu rồi làng Bát Tràng không ai sử dụng phương pháp này nữa. Nhưng gốm vuốt tay có sức hút kì lạ đối với tôi. Khi có cảm hứng, tôi có thể làm việc cả ngày không nản. Có những lúc đêm khuya, nghĩ ra một ý tưởng mới tôi phải thức dạy làm ngay, sợ qua đêm lại quên mất (cười).
Một khó khăn nữa có thể nói đến là, những sản phảm gốm vuốt tay mang tính thô mộc, lúc đầu, đối tượng khách hàng của tôi rất ít, chủ yếu là những người hoài cổ hay văn nghệ sĩ. Nhưng may mắn là cho đến bây giờ, đã có rất nhiều bạn trẻ tìm đến với xưởng gốm của tôi với sự hiếu kỳ hoặc sự yêu mến thật sự.
- Làm bằng tay, được tự ý tạo ra sản phẩm theo suy nghĩ của mình nên mỗi sản phẩm gốm đều có cái hồn riêng. Và, chính sự mộc mạc ấy đã làm rung động không biết bao nhiêu trái tim của người đam mê gốm. Đó có phải là một trong những nguyên nhân để anh theo đuổi nghề này?
Các sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công nên nó có cái hồn, có tình cảm của người làm gốm trong đó. Bản thân tôi khi đi theo dòng gốm vuốt tay này, tôi chưa nghĩ đến việc bảo tồn và phát triển một dòng gốm cổ truyền của dân tộc. Nhưng càng làm nghề, càng đi sâu tìm hiểu tôi càng thấy được sự cần thiết phải giữ gìn lại phương pháp này. Đó chính là động lực để tôi kiên trì đi theo con đường mà tôi đã lựa trọn.
- Mới ngoài 30 tuổi, lại bị khiếm thính nhưng anh đã tạo dựng được những thành công. Anh có thể kể lại một vài "điểm mốc" đáng nhớ của anh với nghề?
Sau những năm tháng nỗ lực không ngừng, có thể nói, việc ra mắt ba chiếc bình lớn vuốt tay với chiều cao là 2,3m, dự triển lãm làng nghề ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ là bước đầu đánh dấu sự xuất hiện những sản phẩm của tôi tới giới chuyên môn cũng như những người yêu gốm. Bên cạnh đó, tôi cũng đã may mắn đạt được nhiều danh hiệu cao quý như Bằng khen của triển lãm gốm sứ truyền thống Bát Tràng chào mừng SEA Game 22, giải nhì hội thi bàn tay vàng nghề gốm sứ năm 2004, Bằng khen Tài năng trẻ làng nghề gốm sứ TP Hà Nội 2004. Với những danh hiệu này, tôi thấy mình cần phải cố gắng học hỏi hơn nữa để nâng cao tay nghề và tiếp tục cho ra lò các sản phẩm mang hồn cốt truyền thống làng nghề Bát Tràng.
- Cảm ơn anh và chúc anh ngày càng thành công hơn nữa trong nghề nghiệp mà anh đang theo đuổi!