Coi thường tính mạng bản thân
Hà Nội hiện có một số tuyến cao tốc hướng tâm, hoặc xuyên tâm như: Vành đai 2, Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long… với làn đường chỉ dành cho ô tô lưu thông tốc độ cao.
Tuy nhiên do ùn tắc giao thông diễn ra ở nhiều nơi cùng với nhận thức, ý thức về ATGT của bộ phận không nhỏ người dân còn kém, dẫn đến vấn nạn xe máy đi vào cao tốc, hoặc lấn làn ô tô, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng và gây rối loạn giao thông.
Những ngày qua, hiện tượng xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao, đoạn từ cầu Thăng Long đến nút giao Mai Dịch diễn ra liên tục. Có thời điểm do bị CSGT chặn bắt tại các lối lên xuống, hàng chục xe máy nối đuôi nhau ngược chiều bỏ chạy thục mạng. Những người vi phạm vì sợ bị phạt mà bất chấp nguy cơ thương vong do tai nạn giao thông.
Cũng tuyến đường này, đoạn từ nút giao Mai Dịch đến Pháp Vân, hiện tượng xe máy đi vào đường cao tốc trên cao có thưa thớt hơn, nhưng vẫn tái diễn suốt thời gian qua không được xử lý dứt điểm.
Một số vị trí như đường từ Vành đai 3 trên cao lên - xuống Linh Đàm, do xe khách liên tỉnh thường xuyên dừng đỗ đón trả nên xuất hiện một số xe ôm sẵn sàng chạy ngược chiều để kiếm khách.
Cầu Vĩnh Tuy hiện đã được phân làn cứng, ngăn cách đường dành cho ô tô, xe máy riêng rẽ, nhưng tình cảnh xe máy lấn làn ô tô diễn ra hầu như suốt cả ngày, dù là giờ cao điểm hay thấp điểm.
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở cũng xuất hiện không ít xe máy lưu thông, gây mất trật tự, ATGT, khiến người điều khiển ô tô vô cùng hoang mang, bức xúc.
Đại lộ Thăng Long là một trong những tuyến cao tốc xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất liên quan đến xe máy. Không ít trường hợp người đi xe máy, xe đạp, đi bộ băng qua tuyến đường này đã thương vong nhưng vẫn chưa khiến người vi phạm biết sợ.
Giải pháp nào xử lý dứt điểm?
Vi phạm giao thông tại Hà Nội là điều có thể trông thấy thường ngày, nhận thức, ý thức về ATGT của nhiều người dân còn rất kém. Thậm chí tập quán xấu bất chấp luật lệ đã ăn sâu và đang lan rộng trong một bộ phận người dân.
Tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc dành cho ô tô chỉ là một trong nhiều loại hình vi phạm, nhưng nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong cao nhất. Khi ô tô lưu thông với tốc độ cao, khả năng xử lý tình huống sẽ giảm xuống, rủi ro tăng lên.
Hà Nội đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng kết quả là vấn nạn nói trên chưa giảm như mong muốn. Đặc biệt hành vi nối đuôi nhau bỏ chạy ngược chiều khi thấy CSGT chốt chặn trên cao tốc vô cùng nguy hiểm.
Mặc dù vẫn duy trì tuần tra xử phạt, nhưng dường như lực lượng CSGT Hà Nội, Cục CSGT đã “bó tay” với người điều khiển xe máy cố tình lao vào cao tốc. Thành phố cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa với vi phạm này.
Nhìn từ thực tế, các chiến dịch được duy trì lâu dài, quyết liệt như xử phạt vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải… đã đạt được kết quả vô cùng tích cực. Điều đó cho thấy, phải kiên trì, xử phạt liên tục, Hà Nội mới có thể chấm dứt hiện tượng xe máy bất chấp lao vào cao tốc.
Thiết nghĩ, UBND, Công an thành phố Hà Nội cần có kế hoạch bài bản, tăng cường thêm các lực lượng như: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động phối hợp cùng CSGT để xử phạt xe máy cố tình vào cao tốc.
Duy trì xử phạt nghiêm minh trong thời gian dài sẽ dần dần tạo thành thói quen chấp hành luật lệ, răn đe khiến người điều khiến xe máy không dám tái diễn vi phạm.
Tại Khoản 6, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ - CP có quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào cao tốc. Mức phạt này cần được tăng thêm và bổ sung hình thức thu giữ phương tiện, tước bằng lái xe.
Vi phạm đi xe máy vào cao tốc là hành vi đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao về tính mạng và pháp lý, việc tăng nặng hình thức xử phạt là xác đáng và rất cần thiết.