Tập đoàn Samsung mở đầu với kế hoạch biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh. Tiếp đó, Intel chính thức công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, Nike, Adidas, Puma, Timberland... cũng đang chuyển lượng lớn đơn hàng sang Việt Nam sản xuất nhằm tránh rủi ro tại thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý Exxon Mobil (Mỹ) đang rục rịch kế hoạch đầu tư dự án nhà máy điện khí trị giá 20 tỷ USD… Danh sách này sẽ còn được nối dài bởi những tập đoàn lớn của Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ… thời gian gần đây đã liên tục gia tăng các hoạt động tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Thu hút đầu tư được của các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn đứng trong top 500 Forbes - mục tiêu lâu nay Việt Nam đang hướng tới sẽ mang lại nhiều nguồn lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn lực đó không thể có được nếu chỉ bằng những ưu đãi, những lợi thế về thị trường, về nhân công giá rẻ… mà phải trên cơ sở có nhiều đối tác để tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế trong nước. Thế giới ngày nay đã khác, sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, không còn mạnh ai nấy làm như trước. Mỗi chuỗi ấy thường có sự tham gia của một hoặc vài tập đoàn, có vai trò quyết định sự tham gia của những công ty khác. Vì thế, khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, như một yêu cầu tất yếu, họ sẽ tìm cách kết nối với DN trong nước. Song thực tế hiện nay, không có mấy DN trong nước trở thành đối tác của những tập đoàn này. Điều đó đồng nghĩa với việc phần nhiều các DN Việt Nam chỉ nhận gia công, làm thuê trong khi phần giá trị gia tăng lớn đến từ việc trở thành đối tác cung cấp sản phẩm, thiết bị lại chưa được tận dụng. Câu chuyện Samsung là một điển hình. Trong khi tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư, gia tăng giá trị xuất khẩu (doanh số xuất khẩu của riêng nhà máy tại Bắc Ninh năm 2013 đã lên hơn 20 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời gian) nhưng trong số 52 nhà cung cấp hiện nay chỉ có 4 DN thuần túy Việt Nam. Số DN ít ỏi này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Đón làn sóng đầu tư của những DN, tập đoàn lớn, cùng với những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ…, bản thân mỗi DN trong nước cũng phải đặt ra cho mình yêu cầu tự thay đổi mình để bắt kịp với sự phát triển để có thể trở thành một bộ phận, một đối tác cung cấp trong chuỗi giá trị gia tăng của những tập đoàn lớn.