|
Nguyễn Thanh Bình - chủ trang trại gà đen H'Mông. |
Không giẫm lại dấu chân cũNguyễn Thanh Bình sinh năm 1996, tại Văn Chấn, Yên Bái, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hàng ngày chứng kiến những người nông dân lao động sớm hôm nhưng cuộc sống vẫn quá đỗi vất vả, vì thế ngay từ nhỏ Bình đã nung nấu ý chí phải làm một điều gì đó có ích cho quê hương nơi mình sinh ra. Tốt nghiệp cấp 3, cậu chọn Khoa Kinh tế Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để theo học. Ngôi trường chính là một bước đệm giúp Bình chạm gần hơn tới ước mơ cháy bỏng của mình. Trong quá trình học tập, Bình thường xuyên tham gia vào các đoàn tình nguyện lên vùng cao, đặc biệt là các bản người Mông của tỉnh Yên Bái. Như một cơ duyên định sẵn, tại đây, Bình được biết đến giống gà đen H’Mông. Đây là một giống gà quý, có giá trị cao, tuy nhiên người Mông không mấy đầu tư, chỉ chăn thả tự nhiên nên giống gà này đã bị lai tạp nhiều, chỉ còn một số lượng nhỏ gà H’Mông trong tự nhiên.
Trăn trở trước thực trạng này, chàng sinh viên khoa Kinh tế Nông nghiệp đã quyết tâm khôi phục và phát triển giống gà quý, một phần để khôi phục nguồn gen quý hiếm, phần nữa là góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi của người Mông bao đời nay. Cơ may đến khi vào năm thứ 3 đại học, Bình nhận được thông tin về cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017, chàng sinh viên trẻ đã cùng 3 người bạn học viết nên Dự án Bảo tồn giống gà đen H’Mông để tham gia cuộc thi. Với ý tưởng xuất sắc, tính thực tế cao và có ý nghĩa xã hội, Dự án đã giành giải Nhất trong cuộc thi này. Ngay sau chương trình, cả nhóm lên kế hoạch khởi nghiệp, tuy nhiên do tuổi còn trẻ, quá trình khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn nên các cộng sự của Bình đã lần lượt bỏ cuộc. Chỉ còn lại Bình kiên định với dự án.
Bảo tồn nguồn gen quýĐể thành lập trang trại, Bình cất công vào tận bản của người Mông để tìm mua từng con giống thuần chủng chất lượng nhất. Trang trại sản xuất theo quy trình và áp dụng công nghệ chọn giống vật nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tất cả các công đoạn đều do Bình đảm nhận, vừa là chuyên viên chăm sóc, vừa làm công tác bán hàng, marketting sản phẩm. Điểm khác biệt của mô hình là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nhân giống nhằm đạt tỷ lệ cao hơn so với các hộ nông dân chăn nuôi tự nhiên.
Đến nay trang trại gà đen H’Mông của Bình có quy mô 1.000m2 tọa lạc tại xã Cát Quế, huyện Quốc Oai đang duy trì trên 40 mái đẻ. Mỗi tháng sinh sản từ 200 gà con, đây là những con gà đen H’Mông thuần chủng nhất do Bình lai tạo ra. Được biết, gà đen H’Mông là giống gà quý hiếm, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, giống gà này còn dùng như một loại thuốc để bồi bổ sức khỏe. Hiện nay giống gà này có giá đắt gấp nhiều lần so với giống gà ta.
Trang trại hiện đang sử dụng máy ấp để ấp trứng và cung cấp ra thị trường 3 loại gà giống: Gà một ngày tuổi, gà một tuần tuổi và gà một tháng tuổi. Giống chính là gà một tuần tuổi bởi đó là thời gian mà gà có sức đề kháng tốt nhất. Sản phẩm của trang trại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt con giống được cung cấp ra thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, vì vậy sản phẩm đầu ra luôn được thị trường đón nhận. “Mục đích chính của dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, mà còn góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống gà H’Mông quý hiếm của Việt Nam” – Bình cho hay.
Bước đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mới mẻ này, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với đam mê và quyết tâm của mình, chàng trai 9X tự tin thương hiệu gà đen H’Mông của mình sẽ ngày càng phát triển hơn, cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường trong nước và thế giới, góp phần bảo tồn một giống gà đen quý hiếm của Việt Nam.