Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà nổi lên là vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành tòa án

Có hiện tượng nể nang, né tránh trong xử án

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này.

Thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TAND Tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc

Trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, tuy nhiên số lượng không nhiều; đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật.

Các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

“Để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử” - Chánh án TAND Tối cao đề xuất.

Liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Nâng cao chất lượng xét xử, cách nào?

Đối với câu hỏi của các đại biểu làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TAND Tối cao mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.

Về xét xử trực tuyến, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.

“Về tư pháp người chưa thành niên, TAND Tối cao đang trình 1 dự án luật về nội dung này, hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Ở thế giới có luật chuyên biệt về vấn đề này. Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là 1 trong 2 quốc gia ở châu Á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em” - Chánh án TAND Tối cao thông tin.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần