Đã xử lý nghiêm các vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn
Theo báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Trong đó, riêng về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, báo cáo của Chánh án TANDTC thông tin, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...
Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về khó khăn trong lĩnh vực này, trong báo cáo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định, việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc như nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…
Thời gian tới, đề cập giải pháp nâng cao chất lượng các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Chánh án TANDTC cho biết, sẽ làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao chất lượng hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án này. Bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Phòng ngừa và xử lý tiêu cực trong nội bộ ngành
Về việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án, Chánh án TANDTC thông tin, thời gian qua vẫn còn một số trường hợp cán bộ, Thẩm phán vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2021, có 43 trường hợp bị xử lý kỷ luật (16 trường hợp vi phạm chính sách dân số, 17 trường hợp vi phạm quy định khi thực thi nhiệm vụ, 3 trường hợp vi phạm nội quy, quy chế cơ quan…), trong đó có 3 trường hợp tham nhũng tiêu cực. Năm 2022, có 35 trường hợp bị xử lý kỷ luật (11 trường hợp vi phạm chính sách dân số, 5 trường hợp vi phạm quy định khi thực thi nhiệm vụ, 11 trường hợp vi phạm nội quy, quy chế cơ quan, 5 trường hợp vi phạm pháp luật…), trong đó có 4 trường hợp tham nhũng tiêu cực.
Để khắc phục tình trạng này, tới đây, ngành tòa án sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…