Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chắp cánh cho nhãn lồng Hưng Yên

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/7, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021. Đây là giải pháp thiết thực khơi thông thị trường cho sản phẩm nhãn lồng cũng như nông sản Việt Nam trong bối cảnh thị trường bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Rộng mở tiềm năng tiêu thụ

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có 4.800ha trồng vải thiều, trong đó nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 3.800ha trồng cây có múi (cam, bưởi) với sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn... Đây là các sản phẩm nông sản chủ lực của Hưng Yên có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Hưng Yên gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ nhãn và nông sản. Dự báo được hiện trạng này, ngay từ đầu năm, Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, DN và bà con nông dân.

 Niên vụ năm 2021, sản lượng nhãn của Hưng Yên đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhãn lồng và nông sản niên vụ 2021 cũng như các niên vụ tiếp theo. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, tổ chức, thương nhân trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kinh doanh và tham gia ký kết hợp đồng mua bán nhãn lồng và nông sản. Đặc biệt với các thị trường như Mỹ, châu Âu, châu Úc và Trung Quốc" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay.

Đánh giá về tiềm năng tiêu thụ của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, Tổng Giám đốc Công ty Aeon TopValu Việt Nam Shiotani Yuichiro chia sẻ: “Hưng Yên không chỉ được biết đến với những khu công nghiệp hoạt động hiệu quả mà còn là quê hương của quả nhãn lồng thơm ngon nức tiếng. Chúng tôi hy vọng có thể đưa quả nhãn vào hệ thống các siêu thị, các trung tâm thương mại của Aeon tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn quy chế xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ được nới lỏng trong tương lai gần, để quả nhãn lồng Hưng Yên sớm được nhập khẩu vào Nhật Bản".

Hiến kế đưa trái nhãn vươn tới thị trường lớn

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với đơn vị liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Theo đó, tập trung khai thác các nền tảng số để tiêu thụ trái nhãn nói riêng và nông sản nói chung trên thị trường trong nước; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp thế giới.

 Các đại biểu cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối ngày 15/7. Ảnh: moit.gov.vn

Gợi mở một số giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để đưa trái nhãn lồng đến tay đông đảo người tiêu dùng Việt Nam và thế giới, Hưng Yên cần chú trọng công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hoá, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Đưa ra khuyến nghị để quả nhãn lồng Hưng Yên hiện diện nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) Hồ Tỏa Cẩm đề xuất các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước. Đặc biệt, khuyến khích DN uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị.

Tại điểm cầu Mỹ, Tham tán công sứ (Thương vụ Việt Nam tại Mỹ) Bùi Huy Sơn chia sẻ, trái cây Việt Nam tại thị trường Mỹ đang bị cạnh tranh gay gắt. Do đó, để canh tranh và xuất khẩu bền vững trái cây, trong đó có trái nhãn Việt Nam sang thị trường Mỹ, DN trong nước cùng nhà nhập khẩu cần nghiên cứu phương thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro. Cùng vói đó, chú trọng việc thuê kho lạnh để bảo quản, bảo đảm chất lượng trái cây tươi; chủ động cập nhật thông tin thị trường Mỹ và kiên trì cung cấp sản phẩm cho các hệ thống phân phối lớn.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã bấm nút khởi động chương trình nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử và cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối.

Sau hội nghị với 72 điểm cầu trong và ngoài nước ngày 15/7, sắp tới một loạt các sự kiện xúc tiến tiêu thụ khác sẽ được triển khai tổ chức tại Hà Nội như: Tuần lễ nhãn lồng - nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021; Quảng bá nhãn lồng - nông sản Hưng Yên trong khuôn khổ sự kiện xúc tiến du lịch, giới thiệu văn hóa Hưng Yên tại khu vực Nhà bát giác - Phố đi bộ; Phiên chợ cam Hưng Yên năm 2021; Tuần lễ cam và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2021…