Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng cuộc sống có những bước tiến dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu khảo sát điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2014 (MICS 5) công bố mới đây nêu bật những tồn tại trong thực hiện các mục tiêu về trẻ em.

Chất lượng cuộc sống có những bước tiến dài - Ảnh 1Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, thực chất là đã có những bước tiến dài về chất lượng cuộc sống.

Bà có thể cho biết sự tiến bộ trong việc bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em thông qua các số liệu của MICS 5?

- MICS 5 so với MICS 1 là bước tiến dài về đánh giá thực trạng trẻ em, tuy nhiên, MICS 5 tập trung nhiều về sự chênh lệch, sự bất bình đẳng. Nhưng qua những con số về giảm tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ em; tỷ lệ trẻ em được đi học đúng độ tuổi, trẻ em và phụ nữ được xem truyền hình, đọc báo… cho thấy sự tiến bộ. Thực chất chúng ta đã có bước tiến khá dài và đáng tự hào về chất lượng cuộc sống của trẻ em từ những năm 1990 đến nay.

MICS 5 cũng nêu bật những tồn tại trong việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Phải chăng chúng ta chưa đưa ra được những giải pháp để thực hiện mục tiêu?

- Không hẳn thế! Tôi thấy tồn tại, thách thức cũng như sự thiếu hụt hay bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ, nguyên nhân quan trọng nhất là sự chênh lệch về phát triển kinh tế. Từ phát triển kinh tế gắn liền với phát triển kiến thức, phát triển về giáo dục, văn hóa, nếp sống tốt. Trong Báo cáo nói rõ chỉ có 22,5% phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc thai kỳ, 18% phụ nữ chưa tiêm phòng uốn ván là nguyên nhân của tình trạng tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao.

Tôi biết trong những tồn tại nói trên có những nguyên nhân thuộc về nhận thức, lại có lý do tập quán. Ví dụ phụ nữ miền núi không có tập quán đi khám bác sĩ mà tự chữa ở nhà, hoặc đến hiệu thuốc mua thì làm sao biết thuốc nào trúng với bệnh gì. Hay như tập quán người chồng không cho bác sĩ đụng dao kéo vào thân thể người vợ, cấm không cho người vợ đi khỏi làng đến trung tâm y tế huyện để mổ, cho nên con chết. Hoặc hiện vẫn còn tập quán chôn con theo mẹ ở Tây Nguyên.

Nhiều người ngạc nhiên trước con số 68% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 1 - 14 phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt về thể xác hoặc tâm lý. Tại sao lại thế, khi chúng ta đang thực hiện rất tốt về quyền của trẻ em?

- Khái niệm bạo hành của quốc tế có nhiều hình thức. Chúng ta nghĩ chữ “bạo hành” là đánh mạnh nhưng khái niệm của quốc tế là đụng đến thể xác của các em cũng gọi là bạo hành (một cái tát tai nhẹ, quất vào mông trẻ). Cho nên Báo cáo nêu tỷ lệ trẻ bị bạo hành cao là một trong 5 hình thức gộp lại. Theo tôi, hậu quả này tồn tại thuộc về tập quán, đạo đức của chúng ta từ đời này qua đời khác. Bây giờ quan niệm mới không cho phép bạo hành trẻ em, không được giải quyết bằng bạo lực. Những vấn đề cha mẹ không đồng ý với con, muốn con làm việc gì thì phải khuyên bảo, giải thích, chờ đợi con chấp nhận thay vì áp đặt, dùng bạo lực để buộc thi hành… Đó là phương pháp mới. Để làm được điều này, chúng ta phải triển khai tích cực từ trong trường học, thay đổi từ giáo viên, các tổ chức đoàn thể, cha mẹ. Chúng ta phải làm từ từ, dần dần và phải đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là có những chương trình giáo dục cho cha mẹ.

Từ những kết quả của MICS 5, theo bà, tới đây các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần điều chỉnh như thế nào?

- Thứ nhất, các chính sách của Nhà nước chú ý hơn đến mở nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi, vùng sâu xa để họ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ. Thứ hai, quan tâm đến đào tạo cán bộ y tế hiểu biết kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Chúng ta không phải chỉ đầu tư hiện đại mà kết hợp mở những lớp bồi dưỡng, huấn luyện ngắn ngày cho các tổ chức chính trị - xã hội. Chính sách đầu tư về cơ sở vật chất cũng cần nhiều hơn, đặc biệt là dành kinh phí cho các Bộ, ngành, tổ chức làm tuyên truyền giáo dục.

Xin cảm ơn bà!