Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số học sinh học nghề xong tìm được việc làm ngay và thu hút rất tốt các DN tuyển nhận.

Thông tin này được bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết khi trao đổi về Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP năm 2016. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong năm nay, Hà Nội dành hơn 70 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của dạy nghề, trước hết là xác định được vị trí việc làm của người lao động; bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chương trình dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp phải giúp năng suất lao động cao hơn cũng như thu nhập tăng lên.

Theo bà Nhàn, sẽ có 18 huyện và 2 quận (Hà Đông, Bắc Từ Liêm), tương ứng hơn 30.000 lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp. Để những người học nghề xong áp dụng được ngay kiến thức được học vào thực tiễn, TP yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo nghề phải cố gắng đổi mới mình. Trước hết, các chương trình giảng dạy bám sát nhu cầu của DN – nơi đón nhận sản phẩm đào tạo. Các cơ sở cũng phải mở rộng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và nâng cao hơn một bước về kỹ năng nghề. Tuy rằng, các khóa đào tạo trong 3 tháng, nhưng giáo viên dạy nghề phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, khả năng ngoại ngữ để tìm hiểu những tiến bộ của khoa học áp dụng vào thực tế.  “Những năm gần đây, kết quả thi tay nghề năm sau tốt hơn năm trước. Hà Nội cũng đã đạt được nhiều kết quả cao trong kỳ thi tay nghề quốc gia và cấp cao hơn. Đa số học sinh sau khi học nghề xong ra trường có việc làm ngay, thu hút nhiều DN… Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo nghề đã được chú trọng và quan tâm” - bà Nhàn khẳng định.

Bà Nhàn cho rằng, để đạt mục tiêu 80% lao động có việc làm sau học nghề là có căn cứ Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn. Công tác giám sát của Ban Chỉ đạo 1956 của TP Hà Nội cho thấy, các đơn vị sau khi đào tạo nghề xong được DN đón nhận lao động vào làm việc với mức lương khá ổn định; người lao động tự thành lập những tổ hợp tác để cùng làm việc hoặc bao tiêu sản phẩm; tự tạo việc làm tại chỗ. Những người học nghề nông nghiệp được DN bao tiêu sản phẩm; hoặc người lao động tự làm cho năng suất lao động cao hơn, bán được nhiều sản phẩm hơn.

Phải khẳng định, khi lao động nông thôn tham gia đào tạo nghề từ đây đồng nghĩa với được trang bị và đổi mới kiến thức, tiết kiệm được chi phí lao động cũng như tăng năng suất giúp tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.