Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng là yếu tố sống còn khi trường phổ thông tự chủ

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được UBND TP Hà Nội giao thêm quyền tự chủ là niềm vui đối với Ban giám hiệu trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa).

 Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm
Nhưng đi kèm với đó là những thách thức nhà trường phải vượt qua. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm cho biết: Để tồn tại và phát triển, nhà trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng và có những đột phá.

Linh hoạt tuyển dụng nhân sự

Trường THPT Phan Huy Chú được UBND Hà Nội giao thêm quyền tự chủ về nhân sự giai đoạn 2020 – 2023 sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong hoạt động giáo dục?

- Bên cạnh tự chủ về tài chính, khi nhà trường được giao thêm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Vấn đề nhân sự, cốt lõi là để đáp ứng việc vận hành của kế hoạch giáo dục. Kế hoạch này của mỗi nhà trường lại không cố định, mà luôn được điều chỉnh hàng năm để phù hợp, hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch giáo dục của nhà trường cần phải có những vị trí việc làm phát sinh để đáp ứng sự phát triển của giáo dục: Nhân sự phụ trách các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật...; giáo viên các môn Thể dục đáp ứng sở trường, năng lực, đam mê của học sinh (HS); người quản lý HS ăn nghỉ trưa, an toàn thực phẩm; nhân sự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường...

Còn câu chuyện tuyển thêm bao nhiêu người cho từng vị trí phụ thuộc vào việc hằng năm nhà trường rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các nội dung mới hoặc cắt bỏ nội dung cũ. Khi phát sinh cần người tới đâu, nhà trường sẽ tìm nhân sự ở mảng đó. Nhưng để tuyển những người giỏi, trả lương cao là bài toán khó đối với tất cả các trường và trường tự chủ càng khó khăn hơn. Song tôi nghĩ để giữ người tài, ngoài việc đảm bảo mức thu nhập, phải tạo ra môi trường làm việc gắn bó để họ nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển năng lực nghề nghiệp và vui khi đảm nhiệm công việc.

Còn về học phí, nhà trường sẽ điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

- Nguyên tắc chung đối với các trường tự chủ là “lấy thu bù chi”. Trường phổ thông chỉ có nguồn thu từ học phí nên nhà trường căn cứ vào kế hoạch giáo dục trong cả khóa học, trên cơ sở đó tính toán nhân sự, tài chính và các điều kiện đảm bảo khác để vận hành, sau đó mới đưa ra được phần tài chính, mức học phí cha mẹ HS phải đóng.
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú đang học trực tuyến môn Ngữ văn trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19.
Ngoài căn cứ vào kế hoạch giáo dục, nhà trường còn thực hiện nghị quyết của HĐND, UBND TP không được thu học phí vượt quá mức trần. Hiện nay, học phí trường THPT Phan Huy Chú thu theo từng khối, từ 48 triệu đến gần 50 triệu đồng/HS/năm học.

Bền bỉ, liên tục những giải pháp nâng cao chất lượng

Nhà trường có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy – học, tương xứng với mức học phí phụ huynh đóng góp cao hơn so với trường công lập không tự chủ?

- Trường THPT Phan Huy Chú đạt tiêu chí chất lượng giáo dục (5 tiêu chí) từ năm 2015. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi, đây chỉ là mốc đánh dấu sự ghi nhận, tin tưởng của cấp trên khi nhà trường đã đạt các tiêu chí của trường Chất lượng cao. Nhà trường phải không ngừng nâng chất lượng, nên hàng năm chúng tôi thực hiện các giải pháp đồng bộ từ nâng cao năng lực nghề nghiệp cho tất cả đội ngũ, truyền cảm hứng, cung cấp các nội dung về kỹ năng sống, giá trị sống đến việc bổ sung những trang thiết bị, điều kiện làm việc… Việc này nhằm giúp công việc giảng dạy, tổ chức những hoạt động giáo dục hiệu quả, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội cũng như mong đợi của người dân.

Do là trường phổ thông đầu tiên được giao tự chủ, không có trường nào đi trước để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho nên chúng tôi phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đôi khi cũng mắc sai lầm, phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên điều quan trọng nhất để nhà trường tồn tại và phát triển khi tự chủ chính là chất lượng giáo dục được xã hội ghi nhận, cha mẹ HS tin tưởng. Để làm được việc này đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục với quan điểm “trường chất lượng cao phải là trường không ngừng nâng cao chất lượng”.

Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm đó là hiệu trưởng lạm quyền khi nhà trường tự chủ?

- Một hiệu trưởng làm ở trường tự chủ mà dùng quyền một cách không đúng là hại chính mình và hại cả nhà trường. Chỉ năm trước năm sau thôi, trường mất uy tín không tuyển sinh được, cả nhà trường sẽ khó tồn tại, vậy lấy gì để hiệu trưởng lạm quyền? Vì thế, nhà trường cần xây dựng những quy chế, quy định sử dụng các công cụ mà trường được giao tự chủ theo định hướng nâng cao hiệu quả tất cả các nội dung hoạt động trong nhà trường; cũng như kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện quyền của các cá nhân, các bộ phận. Đối với trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, tất cả các quyết sách lớn đều thông qua Hội đồng trường thống nhất mới được phép thực hiện.

Với việc được UBND TP Hà Nội giao tự chủ hoàn toàn, hình ảnh của trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa trong thời gian tới sẽ thế nào?

- Hiện nay, chuẩn đầu ra theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, tức là HS phải thi đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng, chúng tôi mong muốn trong tương lai, học trò của mình năng động, tự chủ và hội nhập quốc tế nên sẽ xây dựng thêm những chuẩn đầu ra có giá trị quốc tế, chẳng hạn về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, do tổ chức quốc tế công nhận. Ví dụ như HS phải đạt chứng chỉ Tin học văn phòng do Microsof cấp; hoặc về ngoại ngữ, hiện có 70% HS của trường đạt chuẩn đầu ra B1, sang năm trường phấn đấu 100%.

Xin cảm ơn ông!