Nâng cao chất lượng các môn chuyên tại trường THPT chuyên
Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường THPT chuyên.

Học sinh dự thi lớp 10 năm học 2025 - 2026.
Dự thảo của Bộ GD&ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và đam mê với các lĩnh vực chuyên sâu, đồng thời cụ thể hóa định hướng phát triển giáo dục mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo quy định, trường THPT chuyên là nơi đào tạo học sinh có năng lực vượt trội, có khả năng tham gia các sân chơi trí tuệ trong nước và quốc tế. Việc ban hành một chương trình chính thức với định hướng rõ ràng là bước cần thiết để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong giáo dục chuyên trên cả nước.
Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT gồm chương trình giáo dục nâng cao của 15 môn học được giảng dạy tại trường THPT chuyên.
Dự thảo được xây dựng theo nguyên tắc nâng cao từ chương trình môn học quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, không bao gồm các nội dung mở rộng ngoài đơn vị nội dung kiến thức môn học, tiếp cận quốc tế, đổi mới liên tục theo xu hướng tiếp cận của thế giới.
Nội dung môn học chứa đựng những chuyên đề tiếp cận nội dung quốc gia và quốc tế quan tâm, đáp ứng yêu cầu đào tạo mũi nhọn, lựa chọn nhân tài cũng như các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Thời lượng dành cho dạy học nội dung giáo dục nâng cao các môn chuyên được quy định cụ thể với các môn ngữ văn và toán: 70 tiết/năm học; các môn lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học và tin học: 52 tiết/năm học; các môn ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn và tiếng Nhật: 70 tiết/năm học. Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên có nội dung bắt buộc và nội dung lựa chọn bắt buộc chiếm tỷ lệ khoảng 20% thời lượng chương trình giáo dục nâng cao.
Chương trình cũng tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm đối với môn khoa học tự nhiên tại từng chủ đề, đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin và định hướng học sinh chuyên trong khai thác, sử dụng công nghệ AI.
Cấu trúc dự thảo chương trình rõ ràng, tạo điều kiện cho giáo viên lập kế hoạch giảng dạy; kiến thức trong chương trình cốt lõi, chuyên đề học tập (quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018) và chuyên đề giáo dục nâng cao có sự kết nối, kế thừa, đổi mới, đồng bộ; tạo sự mới mẻ, hấp dẫn đối với cả người dạy và người học khi chinh phục những tầng bậc ngày càng cao hơn của kiến thức.
Chương trình nêu trên được đánh giá là tác động tích cực cho cả giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, chương trình nâng cao có định hướng học thuật và chuyên sâu, do đó yêu cầu đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn vững vàng, có kiến thức rộng và sâu về môn học; thành thạo các phương pháp dạy học tích cực, dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học, phát triển năng lực học sinh; có khả năng hướng dẫn học sinh thực hiện dự án học tập, nghiên cứu, tham gia thi học sinh giỏi và các kỳ thi quốc tế.
Đối với học sinh có năng khiếu, chương trình tạo môi trường học thuật nâng cao, phát triển khả năng tư duy logic, sáng tạo, phản biện, phát triển năng lực tự học, nghiên cứu, trình bày học thuật; đảm bảo năng lực tham gia thi học sinh giỏi các cấp, kỳ thi quốc tế, nghiên cứu khoa học kỹ thuật học sinh trung học. Chương trình giúp học sinh xác định lộ trình nghề nghiệp sớm và rõ ràng thông qua kiến thức mở rộng về ngành, lĩnh vực liên quan đến môn học; học tập định hướng nghề nghiệp chuyên biệt.
Dự thảo Thông tư tạo nền tảng đào tạo sớm cho những nhân lực tiềm năng cho các lĩnh vực then chốt như khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xã hội, kinh tế – tài chính, ngoại giao, giáo dục tinh hoa. Việc chuẩn hóa chương trình giáo dục nâng cao góp phần hướng học sinh đến các ngành nghề phù hợp với năng lực và xu thế phát triển; tăng tính cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.
Bạn đọc xem và góp ý dự thảo TẠI ĐÂY

Hà Nội: 4 trường THPT chuyên không tuyển bổ sung
Kinhtedothi – Sáng 17/7, Hà Nội họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 – 2026. Điều khá đặc biệt năm nay là 4 trường THPT chuyên không tuyển bổ sung.

Hà Nội: một ngôi trường thưởng khủng cho 2 học sinh đỗ Á khoa trường chuyên
Kinhtedothi - Trường Liên cấp Newton (Hà Nội) vừa trao phần thưởng khủng cho 2 học sinh xuất sắc là em Nguyễn Đăng Khánh và Nguyễn Diệu Hà – hai học sinh của trường vừa đỗ Á khoa tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026 vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm.

Hà Nội: cách tính điểm thi lớp 10 trường công lập và trường chuyên
Kinhtedothi – Học sinh lớp 9 đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập, năm học 2025 – 2026. Bên cạnh việc cân nhắc nguyện vọng, tìm hiểu kỹ về khu vực tuyển sinh, thí sinh cần nắm rõ công thức tính điểm thi lớp 10 THPT công lập và THPT chuyên.