Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất vấn tại Quốc hội: Khi nào thủy sản Việt Nam gỡ được thẻ vàng EU?

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn ngày 9/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng đoàn Bến Tre chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về các giải pháp để xử lý vấn đề "thẻ vàng" trong khai thác thuỷ sản, thực hiện các biện pháp để gỡ đến đâu và khi nào thủy sản Việt Nam gỡ được thẻ vàng EU?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các yêu cầu, khuyến nghị quốc tế về mặt luật pháp đều đã được Việt Nam vào các quy định, đã luật hoá toàn bộ. Công tác đánh giá trữ lượng và quy hoạch, chúng ta cũng đã làm, đã đánh giá trữ lượng đảm bảo khai thác là 4,5 triệu tấn. Với đội tàu lớn hơn 31.000 chiếc, chúng ta đã gắn thiết bị hành trình được hơn 84%, công tác này cần tiếp tục nỗ lực để có thể theo dõi, kiểm soát đội tàu.
Về đầu tư hạ tầng cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền, do khó khăn về kinh phí nên tới đây phải bố trí kinh phí thực hiện để sớm hoàn thiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vấn đề "gay cấn" nhất là tình trạng vi phạm của tàu cá Việt Nam đối với khu vực của các quốc gia khác. Vừa qua Việt Nam đã cố gắng lớn trong vận động, tuyên truyền, phối hợp xử lý, nhưng năm rồi vẫn còn tới 73 trường hợp vi phạm. “Đây là vấn đề lớn, vì còn vi phạm thì người ta sẽ không rút thẻ vàng” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
HTX là loại hình phù hợp với nền kinh tế đa dạng của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) về xây dựng hạ tầng nghề cá và xử lý 938 HTX đã đừng hoạt động: Hiện chúng ta có 99.000 tàu cá các loại, trong đó 31.500 tàu có công suất lớn, khai thác khoảng 3,5 triệu tấn hải sản/năm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch hệ thống khu neo đậu và cảng cá, phải thực hiện từ sau năm 2015 với tổng vốn đầu tư khoảng 36.400 tỷ đồng, tuy nhiên, 5 năm qua chúng ta mới thực hiện được 28%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá hiện đại. Bộ NN&PTNT xác định đây là một ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng HTX là loại hình phù hợp với nền kinh tế đa dạng của Việt Nam.
"Đến nay chúng ta đã có 17.000 HTX, vượt chỉ tiêu của nghị quyết Quốc hội đề ra là 15.000 HTX và năm 2020. Vì vậy, đối với 938 HTX đã dừng hoạt động cần thúc đẩy xử lý các vướng mắc, đặc biệt về nguồn tài sản, làm tiền đề cho các HTX mới ra đời. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách để ưu tiên hơn nữa cho loại hình HTX, nhân rộng mô hình ở những khu vực thuận lợi để cơ cấu kinh tế hộ, HTX, DN hình thành nền nông nghiệp họi nhập, bền vững, hiệu quả." - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Có chương trình giống quốc gia cho cá tra và tôm
Về chiến lược giống cây trồng, vật nuôi ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn TP Cần Thơ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chiến lược tập trung và nhóm thủy sản, trái cây và lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng xuất khẩu.
Cụ thể, chúng ta có chương trình giống quốc gia cho cá tra và tôm. Đối với cá tra, mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn giống cá tra khoảng 4,4 tỷ con. Về tôm, đến nay chúng ta mới chủ động được khoảng 40% lượng giống cho tôm thẻ chân trắng và hàng năm phải nhập khoảng 250.000 tôm bố mẹ, chúng ta phải đẩy mạnh chủ động nguồn giống bố mẹ.
Đối với trái cây, chúng ta xác định có 10 loại điển hình và phấn đấu đến năm 2030 thuộc tốp tiên tiến, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Về lúa gạo, chúng ta sẽ tăng cường gạo chất lượng cao, hiện 9 loại gạo thơm của Việt Nam đã được EU cho phép xuất khẩu vào thị trường này; đồng thời chúng ta cần phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Hiện nay, nhu cầu giống lúa tốt, giống xác nhận ở ĐBSCL khoảng 250.000 tấn/năm, mới đáp ứng được 65%, vì vậy, chúng ta phải tăng khối lượng này lên."- Ông Nguyễn Xuân Cường nêu.