Những con số đó đã nói lên độ “nóng” của phiên chất vấn cuối nhiệm kỳ này. Nhiều câu hỏi xoáy thẳng vào những vấn đề khó, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cũng trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh.
Hàng loạt vấn đã được đề cập đến ở nhiều Kỳ họp của Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết, ĐB vẫn “canh cánh” bên lòng và mong muốn được nghe rõ hơn những việc Bộ chủ quản đã và sẽ làm. Như vấn đề quy hoạch treo gây lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đây là vấn đề đã từng được đề cập đến ở cả các phiên thảo luận kinh tế - xã hội và chất vấn.
Qua trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có thể thấy, các ngành, địa phương cũng đã nỗ lực để rà soát, giải quyết vấn đề này nhưng thực tế vẫn là câu chuyện khiến nhiều người dân bị ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, gây bức xúc xã hội. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, các giải pháp được đề xuất. Nhìn về nghị trường, nhiều cử tri hy vọng những giải pháp được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho là “căn cơ” hơn sẽ được thực thi, để vấn đề này không kéo đến nhiệm kỳ tiếp theo.
Một vấn đề khác cũng là câu chuyện dài đã được đề cập đến nhiều trong cả nhiệm kỳ, đó là tình trạng xuống cấp đạo đức gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa. Trong câu trả lời của mình, chính Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nói rằng "câu hỏi này tôi đã trả lời nhiều lần". Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTT&DL đã và sẽ tham mưu cho Chính phủ trình sửa đổi các luật, nghị định liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, đời sống xã hội. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành khác sửa đổi, ban hành các quy định có liên quan đến xây dựng văn hóa, lối sống học đường, xử lý vi phạm…
Tuy nhiên, thực tế đây vẫn là vấn đề gây lo lắng. Trả lời thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thừa nhận “thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội là có nhưng phải đánh giá công bằng”. Bởi câu chuyện của đạo đức xã hội là vấn đề dài hơi và cũng phải đánh giá về những điểm tích cực, nổi bật trong đạo đức dân tộc Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng rất thẳng thắn đưa ra các giải pháp, như phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với xử lý nghiêm minh vi phạm. Vận động mọi người tự mình điều chỉnh hành vi của mình đấy mới là gốc rễ, nền tảng. Trong mọi thời kỳ, vấn đề nêu gương là quan trọng…Có thể nói rằng, thẳng thắn là tinh thần thấy rõ ở các câu hỏi và cả câu trả lời của người có trách nhiệm. Như khi nói về cải cách thủ tục, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định, đúng như đại biểu nêu, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh còn rườm rà, phức tạp. Có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó gây rào cản gây khó khăn cho người dân...
Nhìn nhận về phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri đều cho rằng, việc trả lời thẳng vào câu hỏi cho thấy trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước những vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, sau những lời hứa, giải pháp, cam kết được nêu ra trước nghị trường sẽ chuyển thành hành động trong thực tế như thế nào mới là điều cử tri trăn trở, mong đợi. Để từ đó, những vấn đề liên tục xuất hiện trong các phiên chất vấn sẽ không còn là chuyện “nóng” từ thực tiễn vào đến nghị trường nữa.