Chật vật cân đối ngân sách

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) nhiều khả năng không đạt dự toán, trong khi phải tăng chi, giảm hàng loạt phí và lệ phí.

Thu, chi NSNN chịu áp lực từ dịch Covid-19
Luỹ kế 9 tháng, tổng thu cân đối NSNN mới bằng 64,5% dự toán, đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, ước cả năm thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến; giá dầu thô giảm thấp (thu từ dầu thô 9 tháng ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2019). Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn vẫn diễn ra khá chậm… nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội đề ra.
 Hướng dẫn khai báo hồ sơ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh
“Trong khi đó, thâm hụt ngân sách dự kiến giảm sâu do điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nhu cầu chi đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng… lại lớn khiến việc bội chi NSNN là không tránh khỏi’ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách T.Ư và ngân sách các cấp địa phương khó khăn trong điều kiện giảm thu NSNN. Tính đến ngày 25/9/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 223,34 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020. Trong đó, để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,94%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).

Không lo tăng nợ công, nhưng lo trả nợ

Theo dự báo, đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép. Song Quốc hội cảnh báo nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu NSNN của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu năm 2021, có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau.

Trước tình hình khó khăn tiến độ thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức điều hành các giải pháp thu như: Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các chi cục trực thuộc; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu. Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Tài chính, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng nếu các bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, không chỉ cơ cấu lại nguồn thu mà phải kiểm soát chi tiêu. Cần thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả như tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên. Quản lý, sử dụng tài sản công và triển khai xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp… Từ đó góp phần giảm chi NSNN, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội”. Bên cạnh việc kiểm soát chặt nguồn chi, ngành tài chính cũng cần tạo điều kiện cho DN để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

"Chủ trương chấp nhận tăng tỷ lệ thâm hụt NSNN và tỷ lệ nợ công để hỗ trợ nền kinh tế là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, song cũng cần cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ các tỷ lệ đó. Nên tăng cường các biện pháp chống thất thu, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ từ NSNN. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chi NSNN thật chặt chẽ, đầu tư phải được giám sát về hiệu quả thực hiện song song với việc tiếp tục rà soát các khoản chi có thể cắt giảm, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên. " - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần