Tuy nhiên, để triển khai trong thực tế không hề dễ dàng, đòi hỏi cần một thái độ rất quyết liệt, dứt khoát.
Ma trận sở hữu chéoSố liệu của Thống đốc NNNH đưa ra cho thấy, cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với DN giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp và tới đây sẽ được xử lý.
Trên thực tế, chủ trương xử lý tình trạng sở hữu chéo đã được quán triệt ở ngành ngân hàng từ hàng chục năm nay. Thị trường gần đây chứng kiến nhiều nỗ lực của các ngân hàng trong việc xử lý sở hữu chéo. Đơn cử, VietinBank đã thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống còn 4,91% vốn. Trước đó, Vietcombank đã thoái vốn tại Eximbank, MBbank. Theo nhận định của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, hiện có nhiều điều kiện tốt cho các ngân hàng đẩy nhanh việc này. Đó là sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và sự khởi sắc trong hoạt động đến từ nỗ lực tự thân của các ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng được giá, tạo điều kiện cho việc thoái vốn dễ dàng. Ví dụ, Vietinbank mới đây đã bán thành công cổ phiếu SaigonBank với giá trên 20.000 đồng/cổ phần, trong khi trước đây dự kiến phải bán lỗ.
|
Trong việc xử lý sở hữu chéo, VietinBank đã thoái vốn tại SaigonBank. Ảnh: Thanh Hải |
Những hệ lụy của sở hữu chéo được nhìn thấy khá rõ qua câu chuyện ồn ào của Sacombank và Eximbank. Những đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực và sự ảnh hưởng trong hoạt động của ngân hàng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động chung của cả ngành, gây ra tác động xấu, ảnh hưởng dây chuyền tới cả hệ thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, mạng nhện chằng chịt sở hữu chéo tại Việt Nam đáng lo ngại hơn báo cáo. Đó là liên minh giữa ngân hàng và DN khiến cho đồng vốn ngân hàng đáng lẽ phục vụ cho sự phát triển chung của nền kinh tế lại bị huy động cho các DN sân sau của các ông chủ nhà băng.
Câu chuyện thực và ảoChặt đứt mối dây liên minh này mới là điều khó khăn. Dễ thấy nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Trước kia, trên giấy tờ và thông tin công bố ra thị trường, có thể chứng minh khá rõ DN có liên quan đến các lãnh đạo nhà băng, lại chính là đơn vị được nhà băng rót vốn, bảo lãnh bán nhà… Hiện giờ, những sợi dây ràng buộc cụ thể như vậy đã được giấu kín. Chẳng hạn như các chiêu chuyển nhượng cổ phần tại DN cho nhà đầu tư mới hoặc lãnh đạo nhà băng không còn làm lãnh đạo tại các DN là đối tác tiếp cận tín dụng của nhà băng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo của một DN, thực chất DN vẫn trong tay các đại gia ấy. Việc chuyển đổi cổ phần chỉ là hợp lý hóa về mặt hình thức.
Một quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng sắp được thực thi là các ông, bà chủ tịch nhà băng sẽ không được kiêm nhiệm chủ tịch các tập đoàn tư nhân. Đơn cử ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB hiện là Chủ tịch T&T, Chủ tịch SHS…; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch ABBank hiện là Chủ tịch Geleximco; bà Thái Hương - Chủ tịch Bắc Á Bank là Chủ tịch TH Truemilk; bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Seabank là Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, kiêm Phó Chủ tịch Massan Group… Tuy nhiên, cho dù không chính danh, quyền lực thực sự của các ông, bà chủ nhà băng vẫn gắn với DN mà lâu nay đã trở thành cơ nghiệp nhà họ.
Một lãnh đạo DN cho biết, để hợp thức hóa việc rót vốn, thay vì đi thẳng, có thể có nhiều con đường vòng. Đơn cử như DN của ông sử dụng hình thức phát hành trái phiếu. Đơn vị mua là một ngân hàng A, song thực chất đó là tiền của ngân hàng mẹ rót vào cho công ty, sau khi đã “rửa” bằng cách bơm vốn cho một dự án khác do ngân hàng A chỉ định.
Quốc tế coi việc sở hữu chéo tại các ngân hàng là nghiêm trọng và rất nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm. Đã có những bài học nhãn tiền về việc dung túng cho những trường hợp này dẫn tới sự chao đảo hệ thống do các khoản vay dưới chuẩn. Liệu với Việt Nam, chúng ta sớm nhận ra các bài học và kiên quyết cắt phăng những mạng nhện vốn chằng chịt, níu chân nền kinh tế như hiện nay?