Công ty này tê liệt, gần như không hoạt động được. Các công nhân, những người vay chúng, cũng bị khủng bố tương tự đã không còn tinh thần để làm việc. Lãnh đạo công ty này cho biết, có khoảng 30% trong số 5.000 công nhân của công ty đã dính vào việc vay nặng lãi. Con số thật khủng khiếp… Nhiều người chỉ vay 10 triệu đồng nhưng số tiền phải trả lên đến cả trăm triệu và đang tăng lên chóng mặt theo từng ngày.
Gần đây nhiều tổ chức cho vay nặng lãi đã bị cơ quan công an triệt phá. Tuy nhiên, dường như các tổ chức cho vay này vẫn như những con bạch tuộc vươn vòi khắp nơi. Liệu “tín dụng đen” có thể bị triệt phá hoàn toàn được không?
Tác hại của “tín dụng đen” thì có lẽ ai cũng biết. Hầu hết người vay đều không có khả năng chi trả, họ đều phải bán nhà cửa, mọi tài sản có được để trả nợ; có người đành tự tìm đến cái chết… Do đó, không chỉ người vay bị ảnh hưởng mà cả gia đình họ đều tổn thất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thêm nữa, những tổ chức “tín dụng đen’ đang gây ra sự bất ổn trong xã hội một cách nghiêm trọng. Như công ty nói trên (và nhiều công ty khác nữa) đã không thể hoạt động bình thường được khi tinh thần của lãnh đạo và công nhân hoảng loạn, hệ thống thông tin liên lạc bị bọn cho vay “chiếm sóng”…
Mỗi một tổ chức “tín dụng đen” không chỉ hoạt động cho vay đơn thuần, chúng còn có lực lượng “đầu gấu” sẵn sàng sử dụng bạo lực với nạn nhân.
Như đã nói, ở lúc này hay lúc khác, ở địa phương này hay địa phương khác, bọn “tín dụng đen” đã bị triệt phá, phạt tiền hoặc phạt tù tùy trường hợp. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn xảy ra và trở thành vấn nạn nhức nhối như báo chí nêu.
Phải chăng “tín dụng đen” quá khó để triệt phá? Phải chăng hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ bao quát, chưa đủ mạnh để áp chế nhưng dạng cho vay nặng lãi này?
Hoạt động cho vay nặng lãi gần như diễn ra công khai, nhiều người biết. Tổ chức “tín dụng đen” quảng cáo cho vay rộng rãi ở khắp nơi trên mạng xã hội như Facebook, trên zalo, bằng tờ rơi, giấy dán tường rào, cột điện… Một lần đi ở ngã tư ở Bình Dương, chúng tôi được giúi tấm thiệp hứa hẹn cho vay nhanh chóng, nhìn dưới đất cả nghìn tờ giấy như vậy nằm trắng xóa cả vùng rộng lớn.
Hoạt động cho vay có nhiều người tham gia… Nói tóm lại, đây là hoạt động gần như công khai, rất nhiều người biết. Vậy tại sao khó triệt phá? Tại sao bọn cho vay nặng lãi lại hoạt động gần như không hề giấu giếm gì cả?
Có lẽ để trả lại sự yên ổn cho những gia đình công nhân lao động nghèo, cho hoạt động kinh doanh lành mạnh, cho sự bình yên xã hội, chúng ta cần tìm ra những hàng lang pháp lý mới đủ sức bao quát, cũng như đủ độ nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi.
Song song đó, các ngân hàng cần có cách để người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng. Cuối cùng, người lao động cũng cần biết rõ hơn về những cái bẫy cho vay nặng lãi như vay trả góp hàng ngày (tưởng lãi thấp như tính ra tháng, năm là vô cùng cao), bẫy “giải ngân nhanh chóng”, rồi “không cần chứng minh thu nhập”… để tự bảo vệ mình và gia đình mình.