Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ChatGPT khơi mào cho cuộc chiến trí tuệ nhân tạo AI

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không lâu sau khi ChatGPT ra mắt, một chatbot thông minh có tên Claude, do chính các thành viên OpenAI “bất hòa” nghiên cứu sẽ ra đời và cạnh tranh với ChatGPT. Từ Trung Quốc, Baidu cũng đã lên tiếng tham gia cuộc chiến trí tuệ nhân tạo AI.

Google quyết định móc hầu bao khoảng 300 triệu USD đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo - Anthropic. Ảnh AP
Google quyết định móc hầu bao khoảng 300 triệu USD đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo - Anthropic. Ảnh AP

Tờ Financial Times của Anh cho biết, Google đã quyết định móc hầu bao khoảng 300 triệu USD đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo - Anthropic. Cuộc chơi AI của Big Tech sau khi Microsoft tạo nên cơn sốt ChatGPT với khoản đầu tư vào OpenAI đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Anthropic - một nhóm những nhà nghiên cứu ChatGPT đã rời bỏ OpenAI do những bất đồng với Microsoft.

Google: 20 sản phẩm AI cùng một chatbot

Thỏa thuận ban đầu đã giúp Google nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Anthropic và hỗ trợ startup này mua sắm tài nguyên, phục vụ bộ phận điện toán đám mây của công ty tìm kiếm. Đến giờ, đại diện Google xác nhận rằng họ đã đầu tư và có một hợp đồng đám mây lớn với Anthropic, nhưng bí mật các thông tin cụ thể.

Động thái của Google càng làm nổi bật sự quan tâm của các Big Tech với những công ty trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là những công ty cần quyền truy cập vào nền tảng điện toán đám mây để xử lý các mô hình AI khổng lồ, tương tự mô hình nhóm mà Anthropic đang phát triển.

Dario Amodei và các đồng nghiệp đã rời OpenAI sau khi bất đồng về hướng đi của công ty, và dự báo sẽ cho ra đời một chatbot ''khủng'' khác. Ảnh CNN.
Dario Amodei và các đồng nghiệp đã rời OpenAI sau khi bất đồng về hướng đi của công ty, và dự báo sẽ cho ra đời một chatbot ''khủng'' khác. Ảnh CNN.

Nước cờ của Google giống Microsoft khi đầu tư 1 tỷ USD cho OpenAI cách đây 3 năm. Theo đó, cả OpenAI lẫn Anthropic đều đang tìm cách phát triển AI một cách tổng quát. Đây là phần mềm phức tạp có thể viết kịch bản, sáng tạo nghệ thuật trong tích tắc và đảo lộn suy nghĩ của con người.

Đến nay, Microsoft đã tìm cách tích hợp công nghệ của OpenAI vào nhiều dịch vụ của riêng mình, nhưng mối quan hệ của Google với Anthropic chỉ giới hạn ở vai trò là nhà cung cấp công nghệ cho OpenAI trong cuộc đua. Đến giờ, nhân loại đã xuất hiện thuật ngữ công nghệ mới Arm AI - chỉ sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống.

Công ty Anthropic được thành lập vào năm 2021, do chuyên gia Dario Amodei phụ trách. Dario Amodei và các đồng nghiệp đã rời OpenAI sau khi bất đồng về hướng đi của công ty này. Những người này lo ngại rằng khoản đầu tư đầu tiên của Microsoft vào OpenAI sẽ đưa nó vào con đường thương mại hơn và làm mất đi định hướng phát triển ban đầu của công ty.

Anthropic đang phát triển một chatbot thông minh có tên là Claude, cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI. Mặc dù chatbot này vẫn chưa được phát hành công khai nhưng với cái đầu thông minh không kém Sam Altman- ''cha đẻ” của ChatGPT và số vốn khởi nghiệp đã huy động được hơn 700 triệu USD, cho thấy Claude sẽ là một đối thủ đáng gờm.

 

20 sản phẩm AI cùng một chatbot

CEO Sundar Pichai của Google tuyên bố đang có kế hoạch sớm trình diễn tới 20 sản phẩm AI cùng một chatbot cho công cụ tìm kiếm Google tại hội nghị Google I/O diễn ra vào tháng 5 tới đây.

Nhà đầu tư lớn nhất của Anthropic là Alameda Research - quỹ phòng hộ tiền điện tử của người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried.

Quỹ Alameda Research đã đầu tư 500 triệu USD cho Anthropic trước khi nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái. Một cú bắt tay được cho là kịp thời và đã tiếp sức cho Anthropic của chuyên gia Dario Amodei.

Tất nhiên công ty Anthropic, giống như OpenAI, đang tìm cách tiếp tục khám phá và phát triển công nghệ AI tổng quát. Khoản đầu tư của Google được thực hiện bởi cựu giám đốc điều hành của Oracle, ông Thomas Kurian - người Mỹ gốc Ấn sinh năm 1967 làm Giám đốc điều hành của Google Cloud kể từ năm 2019.

Đưa dữ liệu của Anthropic đến các trung tâm dữ liệu của Google là một phần trong nỗ lực bắt kịp vị trí dẫn đầu mà Microsoft đã đạt được trong thị trường AI đang phát triển nhanh chóng nhờ cơn sốt OpenAI. Ngoài Anthropic, bộ phận nghiên cứu đám mây của Google cũng đang làm việc với các công ty khởi nghiệp khác như Cohere và C3 để cố gắng đảm bảo “miếng bánh” lớn hơn trong lĩnh vực AI.

Baidu (Trung Quốc) sẽ sớm cho ra mắt đối thủ của ChatGPT ngay trong tháng 3. Ảnh AT
Baidu (Trung Quốc) sẽ sớm cho ra mắt đối thủ của ChatGPT ngay trong tháng 3. Ảnh AT

Baidu thách thức

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang là cuộc chiến giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm Baidu đến từ Trung Quốc sẽ sớm cho ra mắt đối thủ của ChatGPT ngay trong tháng 3 tới đây. Tờ Bloomberg mới đây đưa tin rằng Baidu đang đặt mục tiêu sớm cho ra mắt một dịch vụ AI tương tự như ChatGPT ngay trong tháng 3 tới đây.

“Dịch vụ AI này được xây dựng dựa trên hệ thống Ernie của chính Baidu. Đây là mô hình máy học quy mô lớn đã được đào tạo trong suốt một thời gian dài nhằm “vượt trội về khả năng hiểu và tạo ngôn ngữ tự nhiên” – Baidu cho hay.

Baidu nhận thấy mình đã chậm chân trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet, và họ đang đặt rất nhiều hy vọng vào dịch vụ AI giống như ChatGPT sẽ giúp họ vượt qua được các đối thủ lớn trên thế giới. Hãy chờ xem Baidu sẽ làm gì?