Áp lực lạm phát, thiếu lương thực đè nặng
Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar là thành viên duy nhất công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine. Ngược lại, Singapore lại có một đường lối cứng rắn bất thường, sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với Moscow. Một số quốc gia khác cố gắng thể hiện sự trung lập, kêu gọi hòa bình và nỗ lực khôi phục các liên kết kinh tế. Điều này đặc biệt đúng với Thái Lan.
Trước đại dịch Covid-19, người Nga là một trong những nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, với 1,48 triệu du khách vào năm 2019 nhờ chính sách miễn thị thực 30 ngày. Vào tháng 10, hãng hàng không Aeroflot của Nga đã nối lại các dịch vụ đến đảo Phuket thuộc biển Andaman ở miền Nam Thái Lan. Hơn 44.000 người Nga đã vào vương quốc trong tháng đó, nhiều hơn cả từ Australia và Nhật Bản. Khung cảnh này là khác xa so với hồi tháng 3, khi khách du lịch Nga bị mắc kẹt trên khắp thế giới vì những chiếc thẻ tín dụng bị vô hiệu hóa và đồng rúp sụt giảm.
Một đối tác lâu năm và là người mua vũ khí lớn của Nga tại châu Á - Ấn Độ - cũng đã tránh chỉ trích Moscow một cách rõ ràng. Thủ tướng Narendra Modi được cho đã khéo léo gửi thông điệp tới Tổng thống Vladimir Putin khi nói rằng “đây không phải là thời đại của chiến tranh”, đồng thời cũng nhiều lần kêu gọi các bên đối thoại.
Lượng nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã tăng vọt sau khi xung đột bùng phát, và các bộ trưởng nước này đã bác bỏ những lời chỉ trích “đạo đức giả” - đặc biệt là khi các nước châu Âu vẫn đang mua khí đốt của Nga. Theo sau Ấn Độ, gần đây có thông tin cho rằng Pakistan đang cạn tiền mặt sẽ mua tới 4,3 triệu tấn dầu giảm giá của Nga bắt đầu từ năm tới. Trong trường hợp không có đường ống, giá chiết khấu sẽ giúp bù đắp chi phí vận chuyển đáng kể. Sri Lanka bị phá sản được cho cũng đang đi theo con đường tương tự.
Hai quốc gia Nam Á này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi áp lực lạm phát và mất an ninh lương thực do cuộc chiến gây ra. Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là một hành lang xuất khẩu quan trọng. Vì chiến tranh, chỉ số giá phân bón của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng vọt lên mức kỷ lục 254,96 trong tháng 4/2022, hiện đã giảm còn khoảng 200, nhưng vẫn là không đủ tích cực đối với các quốc gia đang gặp khó khăn như Sri Lanka. Giá đã tăng cao hơn kể từ tháng 9/2019, khi chỉ số này chỉ ở mức 77,84, trong khi Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón kể từ năm 2021 để bảo vệ an ninh lương thực của chính mình.
Giá lúa mì toàn cầu cũng tăng do phản ứng với chiến tranh, khi Ukraine và Nga cùng nhau chiếm khoảng 30% xuất khẩu. Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đã đột ngột cấm xuất khẩu ngũ cốc vào tháng 5 năm nay để kiểm soát giá cả tăng vọt và củng cố nguồn cung trong nước.
Lạm phát đã ở mức kỷ lục trên toàn cầu trong năm 2022, và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ đạt 8,8% hằng năm trong tháng cuối năm.
Trong 10 tháng liên tiếp của năm nay, lạm phát của Ấn Độ vẫn duy trì ở trên mức tiêu chuẩn của ngân hàng trung ương nước này từ 2 - 6%. Vào tháng 11 vừa qua, nó đã giảm xuống còn 5,88% trên cơ sở hằng năm, chủ yếu là do giá lương thực cuối cùng cũng đã hạ nhiệt.
Thay đổi chiến lược để thích ứng với tình hình
Dù nhiều nơi khác của khu vực và trên thế giới cũng đang ghi nhận các chuyển biến tốt hơn đáng kể, nhưng bất ổn khó lường vẫn đeo bám nhiều nền kinh tế bởi cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm nổi bật những sự phụ thuộc và dễ bị tổn thương khác ở châu Á.
Chẳng hạn, lệnh cấm tạm thời của Indonesia vào đầu năm nay đối với xuất khẩu dầu cọ đã khiến Ấn Độ đặc biệt lo ngại, khi nước này chiếm một nửa nhu cầu từ quốc gia Đông Nam Á. Động thái của Jakarta diễn ra vào thời điểm dầu hướng dương - mặt hàng mà Ấn Độ và phần còn lại của thế giới chủ yếu phải nhập khẩu từ Ukraine - đang chịu áp lực. Trong khi đó, Indonesia là nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới của Ukraine, đã buộc phải tìm kiếm các sản phẩm thay thế đắt tiền hơn để sản xuất mì, bánh mì và bột mì.
Nhật Bản nghèo tài nguyên, phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu cho gần 90% nhu cầu của mình, và chiến tranh đã làm tăng rủi ro an ninh năng lượng đồng thời dẫn đến một số quyết định khó xử cho Tokyo, điển hình là dự án dầu khí ở vùng Viễn Đông của Nga Sakhalin-2.
Trong khi nhiều công ty quốc tế đã chùn bước trong việc kinh doanh ở Nga do trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả đối tác của Sakhalin-2 là Shell, các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp hồi tháng 8 năm nay đã báo hiệu rằng họ có ý định tiếp tục tham gia dự án dưới sự điều hành của một công ty mới là Sakhalin Energy. Cổ phần của họ đã được Nga chấp thuận vào ngày 31/8.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết thỏa thuận này “có ý nghĩa to lớn” đối với an ninh năng lượng quốc gia. Nhật Bản nhận được khoảng 60% sản lượng của Sakhalin-2, chiếm khoảng 10% tổng lượng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của nước này. Mặc dù vậy, những lo ngại về nguồn cung, chi phí nhập khẩu cao và các ưu tiên khử cacbon đã khiến Nhật Bản ít có khả năng dự trữ, do đó mà thúc đẩy một xu hướng mới về năng lượng hạt nhân.
Năm 2010, hơn 1/4 sản lượng điện của Nhật Bản là điện hạt nhân vào năm 2010, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 13,4% vào năm 2020 sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Đầu tháng 10 năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trước Nghị viện rằng: “Để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định, dựa trên cơ sở chuyển đổi xanh, chúng tôi sẽ thẳng thắn giải quyết vấn đề năng lượng hạt nhân, trước cuộc khủng hoảng năng lượng mà chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra”. Đến cuối tuần trước, Tokyo đã đưa ra một chính sách năng lượng mới với vai trò lâu dài của hạt nhân.
Tom O'Sullivan, người sáng lập Mathyos Advisory - một công ty tư vấn quốc phòng và năng lượng có trụ sở tại Tokyo - cho rằng Nhật Bản đã đa dạng hóa các nguồn năng lượng hơn nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu, chẳng hạn như Đức. Ông nhấn mạnh: “Nhật Bản chưa bao giờ phụ thuộc quá 10% vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nước này xứng đáng nhận được lời khen ngợi cho điều đó”.
Nhưng ông O'Sullivan cũng đặc biệt lưu ý về những bài học quốc phòng quan trọng - đặc biệt là đối với các nền kinh tế hải đảo như Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) - rút ra từ các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong thời gian vừa qua, bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân, khi ông đề cập đến tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Nhìn chung, Ukraine vẫn là một điểm nóng ngoại giao gây sao nhãng khỏi các vấn đề toàn cầu cấp bách khác, trong đó câu hỏi lớn nhất với châu Á và thế giới trong năm tới sẽ là làm thế nào để chấm dứt chiến tranh? Và ai có thể đóng vai người hòa giải?
Năm 2023, một số kỳ vọng rằng Chủ tịch luân phiên mới của G20 là Ấn Độ sẽ tận dụng các mối quan hệ lâu dài với Nga để thúc đẩy việc ngừng bắn, hoặc thậm chí là một thỏa thuận hòa bình giữa hai đầu chiến tuyến.