Kinhtedothi - Trong bản báo cáo về chi phí quân sự toàn cầu năm 2013 công bố ngày 14/4, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, đã xác nhận đà giảm sụt của chi tiêu quân sự trên thế giới, được ghi nhận từ năm 2012.
Tuy nhiên, tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, chi phí quốc phòng lại gia tăng.
Theo SIPRI, Trung Quốc - nước có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), lại nằm trong số hơn 20 quốc gia đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của mình từ năm 2004 đến nay. Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đã tăng thêm 7,4% trong năm 2013.
Sự gia tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng khiến nhiều nước châu Á tham gia vào cuộc chạy đua này.
Ông Sam Perlo Freeman, Giám đốc nghiên cứu của SIPRI, lấy ví dụ trường hợp của Nhật Bản.
Ông cho biết "Những lo ngại của Nhật Bản về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cộng thêm với chính sách của chính quyền đương nhiệm, đã thúc đẩy Tokyo bãi bỏ chính sách đã có từ lâu là giảm bớt dần dần chi tiêu quân sự của mình."
SIPRI nhận định việc gia tăng chi phí quân sự là một xu hướng đáng tiếc vì tài nguyên bị lãng phí thay vì tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Tổ chức này cũng cảnh báo sự gia tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là của các nước lớn, sẽ khiến các quốc gia láng giềng lo ngại, dẫn tới chạy đua vũ trang tại các khu vực.
Quân đội Trung Quốc diễu hành nhân lễ Quốc khánh. (Nguồn: RFI)
|