Châu Á đối diện thách thức lớn trong phát triển bền vững

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đang đối diện với thách thức trong việc hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Hội nghị Tương lai châu Á, một sự kiện thường niên được tổ chức tại Tokyo vào tuần trước, đã thảo luận những vấn đề quan trọng đối với châu Á như: cắt giảm lượng khí thải carbon, chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác khu vực. Hội nghị nhấn mạnh những thách thức mà các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt.

Đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu khí thải carbon

Một trong những chủ đề quan trọng của cuộc họp này là thách thức khi phải vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạn chế tác động từ hoạt động sản xuất đối với môi trường.

Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia, thứ hai từ trái sang, phát biểu trong cuộc thảo luận tại diễn đàn Tương lai Châu Á ở Tokyo vào ngày 24/5. Ảnh: Nikkei Asia
Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia, thứ hai từ trái sang, phát biểu trong cuộc thảo luận tại diễn đàn Tương lai Châu Á ở Tokyo vào ngày 24/5. Ảnh: Nikkei Asia

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất nhiệt điện đốt than chiếm đến 56,7% tổng sản lượng điện ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương vào năm 2021, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu này.

Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho biết: “Nhà máy điện than đang đóng vai trò quan trọng đối với Campuchia cũng như toàn châu Á. Chúng ta cần năng lượng và điện để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Đây cũng là lúc mỗi nước cần phải xem xét cẩn thận để đảm bảo cân bằng giữa các yếu tố phát triển”.

Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết không giống với những nước phát triển, các quốc gia ở ASEAN đang đối mặt với vấn đề riêng dù cùng chung mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.

“Khác với nhiều nước tiên tiến, ASEAN cần phải tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng để đạt được các mục tiêu phát triển. Do vậy, sự tăng vọt về nhu cầu năng lượng là điều tất yếu” – ông giải thích.

Zafrul Aziz, Bộ trưởng đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, cho rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ có thể sẽ không chịu được khoản chi phí khổng lồ từ việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hay sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Vị quan chức này thừa nhận thuế carbon đang là giải pháp khả thi do nguồn tiền thu được sẽ sử dụng để trợ cấp hoặc khuyến khích các công ty đầu tư vào chuyển đổi công nghệ, giúp sản phẩm dễ dàng đến với người tiêu dùng hơn.

Đại diện các doanh nghiệp, Akimoto Uchikawa, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất vật liệu Nhật Bản Teijin, cho biết nhiều nhà sản xuất sẽ buộc phải tiến hành đổi mới toàn diện nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Lý giải cho điều này, ông lưu ý các công ty đang gặp khó trong khai thác tài nguyên do những lo ngại về việc gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường.

Những thách thức đối với tăng trưởng kỹ thuật số

Dẫn chứng con số hơn 440 triệu người dùng Internet trong khu vực, Kao Kim Hourn, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhấn mạnh tiềm năng của khu vực ASEAN trong phát triển kỹ thuật số.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Aziz, thứ hai từ trái sang, phát biểu trong cuộc thảo luận tại diễn đàn Tương lai Châu Á ở Tokyo vào ngày 24/5. Ảnh:  Nikkei Asia
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Aziz, thứ hai từ trái sang, phát biểu trong cuộc thảo luận tại diễn đàn Tương lai Châu Á ở Tokyo vào ngày 24/5. Ảnh:  Nikkei Asia

Sutapa Amornvivat, Giám đốc điều hành của công ty fintech Thái Lan Abacus Digital, cho biết: “Người dân ở nhiều nước ASEAN có khả năng tiếp thu tốt đối với công nghệ mới. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy số lượng người lớn tuổi sử dụng các dịch vụ và thiết bị kỹ thuật số tăng đột biến”.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: thiếu nhất quán trong các quy định pháp luật điều chỉnh hay thiếu lao động kỹ thuật số lành nghề.

“Tăng cường hợp tác trong trao đổi nguồn lao động chất lượng cao và chia sẻ kiến thức sẽ là chìa khóa quan trọng đối với ASEAN trên con đường trở thành trung tâm kỹ thuật số” – Bà cho biết.

Thúc đẩy hợp tác khu vực

Về mặt ngoại giao, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong những lĩnh vực then chốt như an ninh và kinh tế khi căng thẳng địa chính trị và bất ổn đang gia tăng.

Sue Mi Terry, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết mối quan hệ hợp tác ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản đang góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh khu vực trước những bất ổn chính trị.

Jin Chang-soo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Sejong, Hàn Quốc, nhấn mạnh ba quốc gia trên nên tập trung hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như chuỗi cung ứng, chính sách kỹ thuật số và năng lượng.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản nên tăng cường hợp tác song phương, trong đó ưu tiên giao lưu, trao đổi các cơ hội về kinh tế.

Park Cheol-hee, Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, cho biết: "Dưới thời chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-Yeon, Hàn Quốc đang dần bỏ qua những mâu thuẫn trong quá khứ để nối lại mối quan hệ với Nhật Bản. Chúng ta cần tập trung hướng đến phát triển tương lai chung”.