Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Á khát trầm trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình trạng thiếu nước sẽ đe dọa 4 tỷ người, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục bế tắc trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu năm 2010,

KTĐT -  Tình trạng thiếu nước sẽ đe dọa 4 tỷ người, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục bế tắc trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu năm 2010, và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á.

Đó là tuyên bố mới nhất về vấn đề nước mà Tổ chức Oxfam đưa ra.

Trong báo cáo do "Nhóm nghiên cứu an ninh nguồn nước tại châu Á" thực hiện năm ngoái, nhu cầu về nước sạch trên toàn thế giới đang tăng mạnh trong khi nguồn cung ngày càng bất ổn. Hiện nay, cứ một trong sáu người dân trên toàn thế giới, tương đương khoảng hơn một tỷ người, không có đủ nguồn nước an toàn để sử dụng. Trong khi đó, đánh giá của Liên Hợp Quốc cho rằng đến năm 2025, phân nửa các quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước hoặc thiếu nước thực sự.

Vấn nạn chung nêu trên của thế giới đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á. Trong khi châu Á là nơi cư ngụ của hơn phân nửa dân số thế giới, thì lượng nước lại không tương ứng. Châu Á lại chiếm đến 2/3 của mức tăng dân số thế giới và với mức độ tăng như hiện nay thì trong vòng 10 năm nữa, sẽ có thêm gần 500 triệu người.

Các chuyên gia nhận định khủng hoảng nước sẽ tác động lên châu Á ở cả hai mặt thừa và thiếu. Nước biển dâng cao gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp tới số đông cư dân tập trung sinh sống tại các vùng châu thổ ở nhiều nước châu Á như châu thổ sông Dương Tử, Hoàng Hà (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Brahmaputra (Bangladest), những con sông ở Irrawaddy (Myanmar). Bên cạnh đó, tình trạng nóng lên của Trái Đất khiến lớp băng trên đỉnh Himalaya, nguồn cung cấp nước chính cho khu vực, tan nhanh và các nước Nam Á và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Ước tính mỗi năm, lớp băng trên đỉnh Himalaya cung cấp hàng triệu mét khối nước cho các dòng sông ở châu Á.

Châu Á khát trầm trọng - Ảnh 1
 … trong khi lũ lụt lại hoành hành ở nhiều nơi
 
Theo dự báo của Nhóm Chuyên gia Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (GIEC), đến năm 2020, sẽ có khoảng 1,2 tỷ người ở châu Á phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, đến năm 2050, năng suất lương thực của khu vực Nam Á sẽ giảm mạnh, trong khi các khu vực khác của châu Á phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm năng suất lương thực.

Riêng tại Việt Nam, hiện có nhiều lưu vực sông bị ô nhiễm nghiêm trọng như lưu vực sông Cầu ở miền Bắc, lưu vực sông Đồng Nai ở phía Nam. Các con sông ở miền Trung-Nam Bộ thì có hiện tượng sa mạc hóa; còn sông Hồng ở miền Bắc thì nước xuống rất thấp; tại Đồng bằng sông Cửu Long, mới tháng 3 mà đã bị nước mặn thâm nhập sâu.

Châu Á khát trầm trọng - Ảnh 2
 Nhiều con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa

Theo các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu lương thực, khu vực Nam Á sẽ phải tăng 100% sản lượng vào năm 2050 và điều này sẽ kéo theo nhu cầu tăng mạnh về lượng nước dành cho nông nghiệp.

Căng thẳng về nguồn nước cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng đô thị hóa. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng xấu thêm. Giới chuyên gia cho rằng khả năng tiếp cận nguồn nước giảm sẽ dẫn đến một loạt hậu quả như: hoạt động sản xuất lương thực bị suy giảm, không an toàn cho sinh vật, hoạt động di cư trong và ngoài nước, căng thẳng về tình hình kinh tế và địa chính trị, cũng như bất ổn. Những hệ quả đó sẽ có tác động sâu sắc đến an ninh toàn khu vực.

Nguồn nước từ thượng nguồn về chủ yếu do mưa ít vào mùa khô và rừng đầu nguồn bị chặt phá nhiều mà không được khôi phục kịp thời nên nước xuống dẫn đến lũ và chảy đi hết.

Châu Á khát trầm trọng - Ảnh 3
 Trung Quốc đang đi đầu trong chiến lược dự trữ nước ngọt

Căng thẳng nguồn nước đã khiến Trung Quốc có hẳn chiến lược dự trữ nước ngọt. Trong những năm qua, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã sửa chữa và gia cố hơn 6.100 hồ chứa nước và đập nước. Tính đến cuối năm 2009, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chi 142,7 tỷ Nhân dân tệ ( 20,8 tỷ USD) cho các dự án dự trữ nước ngọt trên toàn quốc, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 60 triệu người dân vùng nông thôn. Dự tính đến năm 2020, hệ thống dự trữ nước của Trung Quốc sẽ đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích đất canh tác.