Cơ quan này cảnh báo các rào cản quan liêu cùng với hệ thống hậu cần kém hiệu quả có thể làm chậm trễ đáng kể các hoạt động quân sự trong khối.
Trong báo cáo, ECA nhấn mạnh EU đã chi toàn bộ ngân sách dành cho cải thiện hậu cần quân sự trong giai đoạn 2021-2027 mà không đạt được mục tiêu đề ra là di chuyển nhân sự, thiết bị và vật tư quân sự một cách nhanh chóng và liền mạch. Tổng cộng 1,7 tỷ euro (1,76 tỷ USD) đã được chi tiêu chỉ trong hai năm đầu tiên của giai đoạn này, và đến cuối năm 2023, quỹ đã cạn kiệt. Điều này khiến việc tổ chức di chuyển quân sự trong nội khối vẫn đối mặt với những chậm trễ nghiêm trọng.
![Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể nhanh chóng triển khai một lực lượng quân sự lớn trong phạm vi lãnh thổ nếu cần thiết. Ảnh: dpa](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/fsdfdsf.jpg)
Một trong những rào cản lớn nhất được báo cáo đề cập là các quy định quan liêu phức tạp. Các quốc gia thành viên EU hiện vẫn phải nộp thông báo trước 45 ngày để có thể nhận được giấy phép di chuyển quân sự qua biên giới. Hơn nữa, các phương tiện quân sự như xe tăng của một nước có thể bị cấm hoàn toàn đi vào lãnh thổ nước láng giềng nếu vượt quá giới hạn trọng lượng theo quy định giao thông của quốc gia đó. Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng như cầu đường không được thiết kế để chịu tải trọng của thiết bị hạng nặng, buộc các phương tiện quân sự phải đi đường vòng, làm kéo dài thời gian triển khai.
ECA cũng chỉ trích cơ cấu quản lý yếu kém và việc lập kế hoạch thiếu thống nhất là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại trong việc di chuyển quân sự. Cơ quan này nhận định: “Hệ thống quản lý cho việc di chuyển quân sự trong EU quá phức tạp và rời rạc, thiếu một cơ quan điều phối trung tâm, dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm.”
Với tình trạng ngân sách đã bị tiêu hết, sẽ có một khoảng thời gian ít nhất bốn năm trước khi có thêm bất kỳ khoản tài trợ nào cho lĩnh vực này. Trong khi phần lớn các dự án được tài trợ tập trung vào phía đông EU, khu vực có vai trò quan trọng đối với NATO, hầu như không có nguồn tài trợ nào được dành cho tuyến đường phía Nam hướng tới Ukraine, nơi đang có nhu cầu hỗ trợ quân sự cấp bách.
Đây không phải là lần đầu tiên ECA chỉ trích các chính sách quốc phòng của EU. Năm 2024, báo cáo của cơ quan này đã cảnh báo Chương trình Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu (EDIP), mặc dù có ngân sách 1,5 tỷ euro, có nguy cơ không đạt mục tiêu do sự mất cân đối giữa các ưu tiên chính sách, nguồn tài trợ và thời gian thực hiện. Báo cáo chỉ ra việc nguồn lực bị phân tán quá nhiều vào các dự án riêng lẻ đã làm giảm tác động tổng thể của chương trình đối với an ninh EU.
Năm 2023, ECA cũng lưu ý EU đang thiếu một chiến lược dài hạn về chi tiêu quốc phòng. Cuối năm đó, cơ quan này cảnh báo các khoản viện trợ tài chính cho Ukraine có thể làm tăng nợ công của EU lên hàng chục tỷ euro, do khả năng Kiev không thể hoàn trả các khoản vay.