Di cư sẽ là vấn đề trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) sắp tới khi ngày càng nhiều lời kêu gọi về việc thay đổi mô hình quản lý người di cư và thúc đẩy việc trục xuất người di cư bất hợp pháp bất chấp những chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ.
Cuộc họp dự kiến bắt đầu vào sáng thứ ngày 17/10 tại Brussels, cũng sẽ đề cập đến xung đột Nga-Ukraine, xung đột tại Trung Đông, tình hình ở Georgia, Moldova và Venezuela, và những nỗ lực nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của EU.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ góp mặt tại sự kiện.
Hiện tại mọi sự chú ý đều đổ dồn vào vấn đề di cư, một chủ đề nhạy cảm đối với một số nhà lãnh đạo và thậm chí có thể đe dọa đến sự nghiệp chính trị của họ.
Cuộc thảo luận về vấn đề này đã trở nên gay gắt hơn kể từ khi EU hoàn tất việc cải tổ toàn diện luật tị nạn vào tháng 5 sau bốn năm đàm phán gian nan.
Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Bỉ và Thụy Điển nằm trong số những quốc gia thúc đẩy việc thực hiện luật cải cách di cư đã được nhất trí vào tháng 5. Ngược lại, Hungary và Ba Lan đang kịch liệt phản đối và tuyên bố sẽ phớt lờ hoàn toàn đạo luật này.
Ngày càng nhiều chính phủ lên tiếng yêu cầu hành động để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép và hạn chế người xin tị nạn, đã lên tới 1.129.000 vào năm ngoái.
Nhiều cuộc tranh luận trong thời gian gần đây đã đề cập đến giải pháp trục xuất.
Trong nhiều năm, EU đã gặp khó khăn trong việc trục xuất, gửi trả những người tị nan về quốc gia là quê hương của họ do các nguyên nhân khác nhau như: sự khác biệt về hệ thống luật pháp, các quốc gia thành viên không công nhận lệnh trục xuất, sự thiếu quan tâm và thực thi của chính quyền hay các quốc gia là quê hương của người tị nạn từ chối tiếp nhận lại công dân.
Một ý tưởng đã được đưa ra là thành lập các trung tâm hồi hương bên ngoài lãnh thổ EU. Cụ thể, các quốc gia sẽ chuyển mọi thủ tục pháp lý hoàn tất.
Kế hoạch đã được liên minh gồm 15 quốc gia thành viên nêu ra trong một lá thư chung vào tháng 5 và dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đưa ra các chi tiết cụ thể như địa điểm xây dựng các trung tâm này.
Tuần trước, nhóm 17 nước châu Âu khác đã kêu gọi cuộc cải tổ về vấn đề trục xuất, trong đó đề xuất việc trao quyền cho các chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án trung tâm hồi hương. Trong một lá thư gồm mười điểm gửi đến các nhà lãnh đạo EU, bà cam kết sẽ tận dụng các chính sách thị thực và thương mại như đòn bẩy để thuyết phục các quốc gia chấp nhận công dân của họ. Bà cũng cho biết về việc sửa đổi các quy định để cho phép giam giữ và trục xuất những người bị xem là mối đe dọa đối với trật tự công cộng.
"Chính sách di cư của EU chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu những người gây ảnh hưởng đến an ninh EU bị trục xuất" - chủ tịch Ủy ban châu Âu viết.
Tuy nhiên, chính phủ cánh tả của Tây Ban Nha đã phản đối kế hoạch trung tâm hồi hương, với lý do dự án này sẽ đi ngược lại nhân quyền, gây tốn kém và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, vì những người di cư được tiếp nhận tại các trung tâm này có thể sẽ không bao giờ được quốc gia quê hương chấp nhận.
Bên cạnh vấn đề di cư, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và sáng kiến của G7 nhằm cung cấp cho Kiev khoản vay 45 tỷ euro (50 tỷ USD) sẽ được hoàn trả bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.