Điều này làm gia tăng lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có thể khiến châu Âu trì hoãn việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch.
Quyết định bất đắc dĩ
Than đá là nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều carbon nhất, vì vậy, loại bỏ than là mục tiêu quan trọng nhất của các nước trong xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga siết chặt nguồn cung khí đốt với châu Âu, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Italia, Áo và Hà Lan đều khẳng định các nhà máy nhiệt điện than có thể được sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt thiếu hụt từ Moscow.
Tuần trước, Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho 5 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối. EU hiện đang phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moscow để sản xuất điện và vận hành ngành công nghiệp năng lượng. Theo thông báo của Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ quốc gia Nga cắt giảm 60% nguồn cung thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 từ ngày 15/6.
Trước đó, Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt ở Ba Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp và Hà Lan. Tuy nhiên, quyết định này ít tác động đến các quốc gia do Ba Lan đã có kế hoạch loại bỏ dần khí đốt của Nga vào cuối năm nay, trong khi những nước khác có nguồn cung thay thế.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã mô tả quyết định của Chính phủ Đức về việc hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên và đốt nhiều than là một quyết định "cay đắng", đồng thời lưu ý rằng chính quyền Berlin phải làm mọi cách để dự trữ càng nhiều khí đốt càng tốt trước mùa Đông.
Cũng có quyết định tương tự, Hà Lan hôm 20/6 cũng tuyên bố sẽ kích hoạt giai đoạn “cảnh báo sớm” về kế hoạch khủng hoảng năng lượng và dỡ bỏ giới hạn sản lượng tại các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo an ninh khí đốt. Trong khi đó, Italia và Áo cũng đã báo cáo kế hoạch xem xét đốt thêm than đá để bù đắp nguồn cung khí đốt của Nga sụt mạnh.
Chia sẻ với hãng tin Reuters, chuyên gia Timera Energy nói rằng các nước châu Âu buộc phải hy sinh mục tiêu cắt giảm khí thải để đối phó với giá năng lượng tăng kỷ lục. Giá khí đốt châu Âu hợp đồng giao sau tại sàn giao dịch Hà Lan trong tuần này hiện ở mức 124 euro (130 USD) mỗi megawatt giờ (MWh), giảm so với mức đỉnh 335 euro/MWh hồi tháng 3 năm nay, nhưng vẫn tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia Energy nhận định: "Không có con đường nào khác để nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga mà không gây ra thêm lạm phát và suy thoái nghiêm trọng".
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga. Khối này đã vạch ra kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Moscow vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027. EU cũng cho biết, khối sẽ ngừng nhập than của Nga trong tháng 8 tới và phần lớn dầu của Nga trong 6 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu hiện rất mong manh trước lo ngại Moscow có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang khu vực này trong thời gian sắp tới. Các chính phủ châu Âu đang nỗ lực lấp đầy các kho chứa khí đốt dưới lòng đất trước mùa Đông bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để cung cấp cho các hộ gia đình đủ nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.
Trong nỗ lực tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga, các chính phủ và các công ty châu Âu đã đẩy mạnh việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và được vận chuyển bằng tàu. Hiện tại, các kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của châu Âu đạt khoảng 57% công suất. Tuy nhiên, đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu mỗi quốc gia thành viên EU phải đạt 80% vào ngày 1/11, trong khi đó, Đức đã đặt mục tiêu 80% vào ngày 1/10 và 90% vào ngày 1/11.
Các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels cảnh báo rằng, Bulgaria, Hungary và Romania sẽ không đạt được mục tiêu của EC. Bên cạnh đó, Đức, Áo và Slovakia sẽ rất khó lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt nếu Nga “khóa van” khí đốt.
Các biện pháp chỉ là tạm thời
Giới quan sát đánh giá, việc một số nước châu Âu cho hoạt động trở lại nhà máy nhiệt than vốn đã bị ngừng hoạt động từ lâu vì gây ô nhiễm môi trường được cho là giải pháp tình thế khi dùng loại nhiên liệu đã bị bỏ đi từ lâu để bù đắp cho nguồn cung năng lượng đang bị thiếu hụt hiện tại.
Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khu vực, Quốc hội nước này dự kiến bỏ phiếu về dự luật than vào ngày 8/7 tới, trong khi đó chính phủ khẳng định việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ kéo dài đến tháng 3/2024. Đức cho biết vẫn có kế hoạch thoát khỏi than đá vào năm 2030, song các nhóm môi trường bày tỏ sự hoài nghi đối với những cam kết của Berlin.
Chuyên gia Neil Makaroff, thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho rằng việc quay trở lại sử dụng than là "lựa chọn tồi" với những hậu quả mang tính cấu trúc. "Các quốc gia đang tiếp tục ủng hộ năng lượng hóa thạch thay vì đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Rủi ro là thay thế sự phụ thuộc này bằng sự phụ thuộc khác: Nhập khẩu than của Colombia hoặc Australia, khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ hoặc Qatar, để thay thế hydrocarbon của Nga" - ông Makaroff cho hay.
EU khẳng định rằng họ muốn đẩy nhanh kế hoạch tăng cường sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt sau xung đột giữa Nga và Ukraine.
Bà Mahi Sideridou - Giám đốc điều hành của Europe Beyond Coal cho biết: “Nhiều thập kỷ thất bại về chính sách năng lượng và cơ sở hạ tầng đã dẫn đến thời điểm nhiều nước châu Âu đang xem xét sử dụng lại than đá, một loại nhiên liệu gây ra cái chết cho hàng triệu người cũng như thiệt hại về khí hậu không thể phục hồi”.
Theo bà Sideridou, điều quan trọng bây giờ là chính phủ các nước đó đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp mới nào cũng chỉ là tạm thời và chúng tôi đang trên con đường thoát khỏi hoàn toàn than ở châu Âu vào năm 2030.
Theo Reuters, cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hôm 22/6 nói rằng châu Âu cần có phản ứng nhanh chóng đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại "bằng cách tăng tốc đầu tư hiệu quả vào nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch khác". Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 22/6, Giám đốc IEA Fatih Birol cảnh báo châu Âu cần các kế hoạch dự phòng để đối phó với trường hợp xấu nhất, đó là Nga có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt ngay trước mùa Đông năm nay.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, điều này đòi hỏi châu Âu phải chuẩn bị một kế hoạch dài hạn để tìm nguồn cung khác ổn định và đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn năng lượng khác sạch hơn.
Chính vì vậy, nếu không thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt trong mùa Hè này thì rất có thể châu Âu tiếp tục lâm vào cảnh thiếu khí đốt trong mùa Đông tới, khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên. Điều này rất có thể sẽ khiến châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khi mùa Đông đến.
Nhóm hành động môi trường Carbon Market Watch đánh giá việc một số nước châu Âu cân nhắc chuyển sang sử dụng than là "đáng lo ngại" và bày tỏ hy vọng biện pháp này sẽ được áp dụng trong quãng thời gian ngắn nhất có thể.