Châu Âu loay hoay ứng phó với hậu Brexit

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những diễn biến tiếp theo của sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) là nội dung chính được bàn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Brussels (Bỉ) từ ngày 28 - 29/6.

Với quyết định sẽ từ chức chỉ vài tiếng sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23/6, đây lần cuối ông David Cameron tham dự hội nghị này trên cương vị Thủ tướng Anh. Trước đó, Cao ủy Liên minh châu Âu của Anh cũng đã quyết định từ chức. Ý tưởng về cuộc trưng cầu dân ý lần hai dấy lên suốt mấy ngày qua đã bị ông Cameron bác bỏ. Đồng thời, 2 câu hỏi trọng yếu về nhân vật kế nhiệm Thủ tướng Cameron và kế hoạch rời khỏi EU của nước này thì chưa có lời hồi đáp.
Đây sẽ là lần cuối cùng ông David Cameron tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu trên cương vị Thủ tướng Anh.
Đây sẽ là lần cuối cùng ông David Cameron tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu trên cương vị Thủ tướng Anh.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội lần hai đã không kết thúc được bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới tại Tây Ban Nha. Kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 26/6 cho thấy, đảng Nhân dân (PP) bảo thủ của quyền Thủ tướng Mariano Rajoy đã dẫn đầu, nhưng chưa hội đủ số ghế cần thiết để giành được đa số trong Quốc hội và thành lập Chính phủ mới. Nếu tiếp tục thất bại trong các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ, tương lai của nước này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều bất ổn, đặc biệt là dưới tác động từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vừa diễn ra tại Anh. Như vậy, thêm một “ca khó” cho châu Âu trong tiến trình củng cố những mắt xích yếu.

Diễn ra trong bối cảnh trên, Hội nghị thượng đỉnh Brussels được kỳ vọng vẽ ra con đường rõ ràng hơn cho EU ứng phó với Brexit. Theo các nhà quan sát, rất khó để hội nghị lần này có thể đưa ra giải pháp cụ thể. Các lãnh đạo Pháp, Đức và Italia nhóm họp ngày 27/6 đã thúc giục châu Âu cần có hồi đáp về lộ trình cụ thể ứng phó với Brexit. 3 quốc gia đầu tàu châu Âu cũng kiên quyết không ngồi vào bàn đàm phán với Anh nếu Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon chưa được đưa ra như một “lá đơn chính thức rút khỏi EU”. Nhưng ông Cameron đã kiên quyết đẩy nhiệm vụ này cho người kế nhiệm.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Cameron sẽ tận dụng mối quan hệ khăng khít với những đồng sự trong EU suốt nhiều năm qua để thúc đẩy “tinh thần xây dựng” cho những thỏa thuận tiếp theo giữa Anh và EU. Ông Cameron sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người dân Anh bằng luận điểm quen thuộc rằng, cho tới khi có đơn xin rút khỏi khối chính thức, nước này vẫn là một thành viên của EU với đầy đủ quyền lợi như 27 quốc gia còn lại.

Theo The Economist, với việc danh sách ứng viên thay thế ông Cameron chưa rõ nét và sự chia rẽ trong đảng đối lập Lao Động ngày càng sâu sắc, có thể mất hơn 6 tháng tới để nước Anh thiết kế lại bộ máy lãnh đạo. Từ đó, lộ trình Brexit mới có sự tiếp cận cụ thể.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ tới Brussels, sau đó là London để hội đàm với các đồng minh thân cận của Mỹ về những hệ lụy của Brexit. Chuyến thăm Brussels và London của ông Kerry nằm trong nỗ lực của Washington để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang làm chao đảo phương Tây và thế giới sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh vừa qua.