Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu - Nam Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại gây tranh cãi

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Mercosur, bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và mới đây là Bolivia, đã chính thức được ký kết sau 25 năm đàm phán.

Đây là bước tiến lớn hướng tới việc hình thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với hơn 700 triệu dân và chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các quốc gia thành viên EU, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Thỏa thuận này hướng đến việc giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi  cho thương mại giữa hai khu vực. Để có hiệu lực, thỏa thuận cần được Nghị viện EU thông qua và đạt sự đồng thuận của ít nhất 15 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn đã gặp nhiều thách thức khi nông dân và một số quốc gia châu Âu lo ngại về tác động đối với ngành nông nghiệp nội địa.

Châu Âu - Nam Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại gây tranh cãi. Ảnh: foodtank
Châu Âu - Nam Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại gây tranh cãi. Ảnh: foodtank

Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong EU, phản đối mạnh mẽ hỏa thuận, trong khi Ba Lan, Ý, Áo và Hà Lan cũng bày tỏ sự dè dặt. Ngược lại, Đức cùng với 10 quốc gia khác đang thúc đẩy nhanh chóng việc phê chuẩn, với sự ủng hộ từ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Những trở ngại trong tiến trình đàm phán

Thỏa thuận ban đầu dự kiến được ký vào tháng 6/2019 nhưng bị đình trệ do các vấn đề chính trị và môi trường. Các mối lo ngại bao gồm nguy cơ gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu, suy giảm đa dạng sinh học, phá rừng ở Amazon, và vi phạm quyền con người đối với các cộng đồng thổ dân. Sự phản đối quyết liệt của Pháp đã làm chậm lại tiến trình phê chuẩn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch von der Leyen đã đạt được bước tiến quan trọng khi vượt qua áp lực chính trị tại quốc gia này.

Phần lớn sự phản đối từ châu Âu đến từ những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các sản phẩm thực phẩm và nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu của EU từ Mercosur, với tổng giá trị ước tính đạt 23 tỷ euro vào năm 2023. Thỏa thuận này dự kiến tăng cường nhập khẩu các sản phẩm như thịt bò, gia cầm, củ cải đường và đậu nành với thuế quan thấp hơn. Điều này đặc biệt gây bất lợi cho nông dân EU, khi họ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn so với các đối thủ tại Nam Mỹ.

Nông dân ở nhiều quốc gia EU đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ngày 12/12, nông dân Pháp đã dựng một bức tường bằng 578 kiện cỏ khô trên tuyến đường giữa Auch và Toulouse, mỗi kiện tượng trưng cho một đại biểu quốc hội Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron. Đây là động thái nhằm phản đối hiệp định EU-Mercosur và các vấn đề trong nước liên quan.

Quan ngại về môi trường

Các tổ chức môi trường cảnh báo thỏa thuận này có thể làm trầm trọng thêm nạn phá rừng, chiếm đất và gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu tại Nam Mỹ, trong khi EU lại tăng cường xuất khẩu ô tô, nhựa và hóa chất. Laura Restrepo Alameda, đại diện Mạng lưới Hành động vì Khí hậu Mỹ Latinh, nhận định thỏa thuận sẽ thúc đẩy việc buôn bán các sản phẩm gây hại đến môi trường và nhân quyền.

Mặc dù EU đã cố gắng đưa ra các điều khoản phụ để giảm thiểu tác động xấu về môi trường, nhưng nhiều nhà hoạt động cho rằng chúng chỉ mang tính tượng trưng và không đủ để giải quyết những vấn đề cốt lõi.

Một số nhà phân tích cho rằng sự phản đối của một số chính phủ châu Âu đối với thỏa thuận này xuất phát từ lo ngại nó có thể làm gia tăng sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu trước cuộc bầu cử năm 2025. Việc từ chối thông qua thỏa thuận sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và chính trị cho EU. Do đó, các chính phủ châu Âu cần vượt qua bài kiểm tra về sự thống nhất và sức mạnh để đối phó với những thách thức từ cả nội bộ lẫn bên ngoài.

Dù thỏa thuận EU-Mercosur mang lại tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế, nó cũng đặt ra những bài toán khó giải về bảo vệ ngành nông nghiệp, môi trường và quyền con người. Khả năng thông qua thỏa thuận này phụ thuộc vào cách EU cân bằng được lợi ích kinh tế và giải quyết các lo ngại chính đáng từ những bên liên quan. Trong bối cảnh đó, vai trò của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc tạo đồng thuận và thúc đẩy sự đoàn kết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.