Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu “nín thở” chờ tin giải quyết khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 26/10, toàn châu Âu đợi tin từ cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối Liên minh châu Âu (EU), với hi vọng gói giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, sẽ thông qua tại hội nghị này.

“Ngày mai trời sẽ sáng”

Cùng với gói giải pháp này, EU cũng hy vọng, Italia sẽ đưa ra những cam kết mới nhất để thực hiện cải cách nhằm ngăn chặn một sự lây lan tàn khốc. Theo trang tin EUbusiness, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ca ngợi cuộc họp thượng đỉnh vòng thứ nhất hôm 23/10 là “đã đạt được những tiến triển tốt”. Tuy nhiên, các nguyên thủ đã rời Bỉ với rất ít kết quả cụ thể.

Các nhà lãnh đạo có chung mối quan ngại rằng quy mô Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF) chỉ có 440 tỷ Euro (605 tỷ USD) sẽ không đủ để can thiệp vào một nền kinh tế lớn như của Italia, và vì thế chủ đề chính là tìm ra phương thức tăng cường cho quỹ cứu trợ nhưng không bơm thêm tiền. Sau cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso phát biểu với vẻ lạc quan: “Mọi việc đang tiến triển và tiến triển tốt. Chúng tôi dự kiến mọi quyết định sẽ được thông qua. Hãy cứ hi vọng, “ngày mai trời sẽ sáng”. Còn Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho biết, hiện có hai phương án đang được các nhà lãnh đạo cân nhắc. Phương án thứ nhất: FESF sẽ được sử dụng như một quỹ bảo lãnh cho nhà đầu tư trong trường hợp họ thua lỗ do nắm giữ trái phiếu, với mục đích trấn an các nhà giao dịch và khuyến khích họ quay trở lại mua trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế gặp khó khăn. Một phương án khác, sẽ thiết lập thêm một quỹ thứ hai để huy động vốn từ những quốc gia ngoài châu Âu, có thể là Trung Quốc và Nga, và đây chính là vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ EU.

Thông qua việc sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính, các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ "huy động" một quỹ mới với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ Euro. Ông Van Rompuy nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phối hợp cả hai phương án và tác dụng sẽ được tăng lên gấp đôi”. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đạt được thỏa thuận về hai vấn đề hóc búa mang tính đột phá: thỏa thuận xóa nợ quy mô lớn cho Hy Lạp và đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn lực để chống chọi với các khoản lỗ do xóa nợ này.

Hi Lạp sẽ qua cơn hấp hối?

Tuy không có con số cụ thể nào được tiết lộ, nhưng một nguồn tin cho biết, các nhà lãnh đạo đang thương lượng với các ngân hàng để họ đồng ý chiết khấu ít nhất 50% trên số nợ gốc phải đòi đối với khoản đầu tư vào trái phiếu của Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã kêu gọi “một giải pháp bền vững” cho vấn đề nợ của nước này, đặc biệt là sự tham gia của khối ngân hàng tư nhân của Hy Lạp, các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm.

Trong một nỗ lực khác nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự tái diễn, các nhà lãnh đạo EU hứa sẵn sàng xem xét chỉnh sửa các hiệp ước của EU hướng tới việc gắn kết kinh tế chặt chẽ hơn cũng như sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nếu phạm luật. Tuy nhiên, ngay lập tức vấp phải phản ứng của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ngoài khu vực, đứng đầu là Thủ tướng Anh David Cameron, người đã kiên quyết đấu tranh đưa vào bản thông cáo chung của hội nghị các điều khoản đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước...

Hiện nay, mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc họp thượng đỉnh ngày 26/10, với mối lo ngại rằng các thị trường sẽ đóng băng nếu như “một gói giải pháp toàn diện” không được thông qua trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Cannes (Pháp) trong hai ngày 3 và 4/11.