Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu - rối càng thêm rối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giữa cái giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt, dự báo kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài trong suốt năm 2013 và bê bối về thực phẩm "ngựa đội lốt bò", "cá giả" càng làm cho cuộc sống của người dân khu vực trở nên khó khăn hơn.

 Sau cuộc họp khẩn cấp của các quan chức nông nghiệp châu Âu vào ngày 13/2, các kệ hàng chuyên bày bán sản phẩm bò băm đông lạnh trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã trống trơn vì nhà sản xuất buộc phải thu hồi. Con số 1 triệu Euro mà công ty thực phẩm Findus của Thụy Điển bị thiệt hại trong những ngày qua cho thấy hậu quả ghê gớm mà bê bối này có thể gây ra cho ngành nông nghiệp cũng như ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm của khu vực. Việc các Bộ trưởng Nông nghiệp châu Âu cam kết đưa ra một thỏa thuận nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc của thực phẩm trong cuộc họp vào ngày 26/2 cũng không làm người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn và chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều người quay lưng lại với thực phẩm từ châu Âu.
 
Châu Âu -  rối càng thêm rối - Ảnh 1
Các poster vận động tranh cử của ứng viên - cựu Thủ tướng Berlusconi ở Milan. Ảnh: Reuters

Giữa lúc khu vực đang lâm vào tình cảnh rối như tờ vò, cuộc bầu cử Quốc hội Italia diễn ra hôm 24 - 25/2 nhằm lựa chọn 630 ghế tại Hạ viện và 315 ghế tại Thượng viện được thị trường toàn cầu đặc biệt quan tâm. Các nhà đầu tư kỳ vọng cử tri Italia sẽ tìm ra một Chính phủ mới giúp nước này thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 20 năm qua cũng như góp phần đưa khu vực  Eurozone vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng giá diễn ra Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bulgaria một lần nữa cho thấy sự phẫn nộ của người dân các nước trước tình cảnh kinh tế ngày một khó khăn. "Làn sóng công dân" tại Tây Bân Nha đã thu hút hàng chục ngàn người lao động xuống đường hôm 23/2 để phản đối các chính sách cắt giảm chi tiêu của Chính phủ khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%. Cuộc sống khó khăn do thất nghiệp, cắt giảm lương đã đẩy nhiều người dân Eurozone lâm vào tình cảnh nghèo khó, từ đó đe dọa sự ổn định, thịnh vượng của lục địa già.

Tình hình châu Âu đã rối càng thêm rối, khi Anh, quốc gia sở hữu một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới đã chính thức bị hãng xếp hạng Moody's tước mất tín nhiệm vàng AAA vốn được duy trì từ năm 1978 do nợ công tăng cao và triển vọng tăng trưởng chậm. Trong khi nợ công của Anh đã lên tới 1.163 tỷ bảng, tương đương với 73,8% GDP và rất khó cải thiện trước năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ tiếp tục ảm đạm trong các năm tới do triển vọng trung hạn khá ảm đạm. Động thái trên của Moody's là một lời cảnh báo đối với toàn châu Âu về tình hình nợ công và gia tăng sức ép lên các Chính phủ của khu vực trong việc đưa ra các biện pháp giảm nợ.