Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu tụt hậu với Mỹ trong bài toán kinh tế và sáng tạo đổi mới?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế “vinh quang” sau Thế chiến II, các nhà hoạch định chính sách châu Âu hiện đi sau Mỹ trong việc áp dụng các thể chế và chính sách để thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá.

Thời hoàng kim của kinh tế châu Âu

Nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng mạnh vào đầu những năm 1990, tận hưởng sự thúc đẩy từ việc đào sâu thị trường chung của EU trước khi mở rộng về phía Đông sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Song kể từ đó, nền kinh tế kết hợp của 27 quốc gia tạo nên EU ngày nay đã liên tục mất vị thế vào tay Mỹ, bị ảnh hưởng bởi một loạt các diễn biến, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu một thập kỷ trước. Gần đây hơn, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine cũng gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho châu Âu hơn là Mỹ.

Theo IMF, mức thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương ở châu Âu đã giảm xuống còn khoảng 30% so với Mỹ. Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ đã vượt qua tất cả các nền kinh tế tiên tiến lớn của EU và quỹ này dự báo khoảng cách này sẽ chỉ ngày càng nới rộng hơn trong phần còn lại của thập kỷ này.

Một phần của vấn đề đối với châu Âu là nhu cầu tăng trưởng, đầu tư yếu và tích trữ lao động - khi các công ty giữ lại nhiều lao động hơn mức cần thiết do lo ngại họ sẽ khó tuyển dụng lại khi nhu cầu phục hồi.

Một phần nguyên nhân là do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào châu Âu. Giá nhà đã giảm ở nhiều quốc gia và chính phủ đang kiểm soát chi tiêu. Tăng trưởng tiền lương nhanh hơn ở Mỹ đã giúp người lao động lấy lại sức mua mà họ đã mất do lạm phát cao sớm hơn so với ở châu Âu. Các hộ gia đình Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán, vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Công nhân làm việc tại nhà máy ở TP Leipzig, Đức. Ảnh: Financial Times
Công nhân làm việc tại nhà máy ở TP Leipzig, Đức. Ảnh: Financial Times

Các hộ gia đình lớn tuổi ở Mỹ không bị tác động nhiều bởi chi phí vay gia tăng nhờ sở thích thế chấp 30 năm của quốc gia này, giữ lãi suất ở mức cực thấp trước đại dịch. Các hộ gia đình châu Âu có các khoản thế chấp ngắn hạn hoặc lãi suất thay đổi, đã ngốn nhiều hơn thu nhập hàng tháng của họ kể từ khi lãi suất tăng vọt hai năm trước.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, người dân vẫn đang tiết kiệm hơn 14% số tiền kiếm được - cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ đã chi gần hết số tiền họ dành dụm được trong thời gian đại dịch, khiến số tiền tiết kiệm của họ giảm xuống còn chưa đến 5% thu nhập.

Người dân châu Âu cũng đang chọn làm việc ít hơn - một xu hướng đã gia tăng kể từ khi đại dịch xảy ra - trong đó, một ví dụ điển hình là những công nhân tàu hỏa Đức đã thành công trong việc thúc đẩy giảm thời gian làm việc của họ từ 38 xuống 35 giờ/tuần vào năm 2029 và những công nhân thép yêu cầu được trả nhiều hơn khi chỉ làm việc 32 giờ/tuần.

ECB ước tính rằng vào cuối năm ngoái, trung bình một nhân viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã làm việc ít hơn 5 giờ so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra vào năm 2020 - tương đương với việc mất 2 triệu lao động toàn thời gian mỗi năm - trong khi số giờ làm việc trung bình của công nhân Mỹ vẫn ổn định.

Một gánh nặng khác đối với nền kinh tế châu Âu bắt nguồn từ dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm, vốn đang tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động lan rộng khi thế hệ trước dần nghỉ hưu.

Động lực từ công nghệ

Mặt khác, sự phát triển vượt trội về công nghệ cũng là động lực đáng kể cho tăng trưởng. Đây là công cụ đắc lực của Mỹ, nơi cuộc cách mạng công nghệ thông tin và hiện nay là cách mạng trí tuệ nhân tạo đã phát triển khá ngoạn mục góp phần thúc đẩy nền kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo hơn từng ngày. Trong khi tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách chưa áp dụng hiệu quả các thể chế và chính sách để thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá.

Theo thống kê, đầu tư của khu vực tư nhân châu Âu vào nghiên cứu và phát triển chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng thành phần.

Hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của châu Âu tập trung ở phạm vi công nghệ trung bình, chiếm hơn 50% hoạt động R&D của khu vực tư nhân, trong đó ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng một phần ba, mặc dù ngành này tạo ra ít đổi mới đột phá. Ngược lại, 85% hoạt động R&D tư nhân tại Mỹ nằm trong các lĩnh vực đòi hỏi nhiều R&D hơn và có lợi nhuận cao hơn như công nghệ sinh học, phần mềm, phần cứng và AI.

Hoạt động R&D tư nhân tại châu Âu cũng chịu ảnh hưởng từ sự phân mảnh của EU. Trên 27 quốc gia thành viên, có 27 luật lao động, bộ quy tắc chi tiêu khác nhau (rất ít hoạt động chi tiêu công được tập trung ở cấp EU, không giống như hoạt động chi tiêu liên bang tại Mỹ), cơ quan quản lý chứng khoán, cơ quan quản lý điện và dược phẩm…

Hơn nữa, các công ty khởi nghiệp tại châu Âu chịu ảnh hưởng do không có liên minh thị trường vốn thực sự. Châu Âu không có cơ chế nào tương đương với Nasdaq; họ thiếu mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm dày đặc như Mỹ để tài trợ cho các dự án đổi mới; và, ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ quốc gia (Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan), các nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ) ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro liên quan đến đổi mới triệt để. Mặc dù tiền tiết kiệm của hộ gia đình châu Âu rất dồi dào, nhưng chúng chủ yếu được chuyển vào các dự án rủi ro.

Hỗ trợ đổi mới của khu vực công châu Âu cũng còn nhiều bất cập. Tại Mỹ, nguồn tài trợ R&D công tập trung ở cấp liên bang, trong khi nguồn tài trợ công ở EU chủ yếu diễn ra ở cấp quốc gia thành viên. Như đã biết, EU là “gã khổng lồ” về mặt quản lý, nhưng lại là một “chú lùn” về mặt ngân sách (với tổng ngân sách chỉ khoảng 1% GDP của khối). Với quy mô của những thách thức hiện nay, đòi hỏi phải chuyển đổi xanh và kỹ thuật số trên toàn nền kinh tế, đây là một trở ngại lớn.

Chiến lược trao quyền cho các nhà khoa học

Hơn nữa, xét về các tổ chức công, không có tổ chức nào ở châu Âu giống với các Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến của Mỹ. Bằng cách ủy quyền ra quyết định và quản lý dự án cho các nhà khoa học hàng đầu, ARPA đã giúp chính phủ Mỹ liên tục thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá trong các lĩnh vực chiến lược.

Trong số những thành công nổi tiếng liên quan đến chiến lược này là GPS, internet và vaccine mRNA COVID-19. Vaccine mRNA là một ví dụ điển hình về "chính sách công nghiệp thân thiện với cạnh tranh". Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh (BARDA) đã tập trung tài trợ cho ba công nghệ, với hai dự án (một của Mỹ, một của châu Âu) cho mỗi công nghệ. Cả sáu dự án cuối cùng đều được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận trong thời gian kỷ lục.

Điều thú vị là hai công ty chiến thắng chính, Công ty Moderna của Mỹ và Công ty BioNTech của Đức, là những công ty công nghệ sinh học nhỏ và chỉ có một dự án bắt nguồn từ một công ty hàng đầu thế giới về vaccine trước đại dịch (quan hệ đối tác Sanofi-GSK).

Ví dụ này cho thấy một khuôn mẫu cho chính sách công nghiệp thành công của châu Âu. Mô hình của Mỹ giao phó việc ra quyết định khoa học cho các nhà khoa học hàng đầu, khiến nó trở thành một biện pháp khắc phục đầy hứa hẹn cho nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong hệ sinh thái đổi mới của châu Âu mà cựu Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu Mario Draghi đã nêu bật trong báo cáo gần đây của ông về khả năng cạnh tranh của EU.

Theo đó, ông Draghi đề xuất các khoản đầu tư công và tư lớn vào nghiên cứu cơ bản và công nghệ đột phá, cũng như cải cách quản trị EU nhằm hợp lý hóa việc ra quyết định, nới lỏng các ràng buộc về quy định và trao quyền cho các nhà khoa học và doanh nhân.