Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu vẫn bất an về mối quan hệ với Mỹ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị An ninh Munich diễn ra cuối tuần qua tại Đức đúng thời điểm quan hệ giữa đồng minh truyền thống Âu - Mỹ có nhiều biến động và giới chức Lục địa già đón đợi cái nhìn đầu tiên vào chính sách quốc phòng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Lục địa già đã và đang đón đợi cái nhìn đầu tiên vào chính sách quốc phòng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Giới chức Nhà Trắng đã không bỏ lỡ cơ hội này để “hâm nóng” mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói riêng và châu Âu nói chung.
 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khởi động quá trình "làm thân" với giới chức châu Âu bằng tuyên bố cam kết tôn trọng Điều 5 của Hiệp ước NATO, vốn từng bị Tổng thống Mỹ bày tỏ nghi ngờ. Điều luật then chốt và cơ bản này yêu cầu mọi thành viên NATO phải hỗ trợ khi bất kỳ quốc gia nào trong khối trong trường hợp bị tấn công. Tiếp đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gửi thông điệp của ông chủ Nhà Trắng rằng sẽ tiếp tục ủng hộ châu Âu và duy trì các cam kết với liên minh quân sự NATO. Mỹ sẽ sát cánh với Lục địa già, cùng hợp tác trên cơ sở của những lý tưởng chung. Một trong những mối lo lớn nhất của châu Âu là thái độ cởi mở của Tổng thống Trump trước thỏa thuận với Nga đã phần nào được giải tỏa khi Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh, Mỹ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực tại Ukraine ngay cả khi Washington đang tìm kiếm tiếng nói chung với chính quyền Moscow.
Những tuyên bố này liệu có là cơ sở vững chắc cho quan hệ Âu - Mỹ sắp tới? Trong bài phát biểu tại Brussels (Bỉ) trước khi tới Đức dự Hội nghị An ninh Munich, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis cảnh báo các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tại Hội nghị An ninh Munich, ông cũng cho rằng lời hứa "cùng chia sẻ gánh nặng" của khối vẫn "chưa hoàn thành" bởi gần như tất cả 28 quốc gia thành viên. Điều này dường như mâu thuẫn với những phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị, nhấn mạnh tổ chức này góp phần tăng cường sức mạnh cho Mỹ và có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, Washington cần phải chia sẻ gánh nặng về chi phí hoạt động của NATO. Đồng thời, “bà đầm thép” của châu Âu cũng khẳng định, “thế giới không thể hợp tác nếu các quốc gia theo đuổi những chính sách mang tính địa phương”, nhằm ám chỉ tinh thần bảo hộ trong các phát ngôn của Tổng thống Mỹ gần đây với khẩu hiệu “Nước Mỹ đầu tiên”.
Thực tế, những khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và châu Âu ngày gia tăng. Trong khi các cơ quan tình báo của châu Âu liên tục cảnh báo về nguy cơ Moscow can thiệp đến loạt bầu cử tại Pháp, Đức… sắp tới, Tổng thống Mỹ lại đề xuất nới lỏng lệnh trừng phạt Moscow để đổi lấy thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân. Do đó, bất chấp khẳng định của Phó Tổng thống Pence tại Hội nghị rằng Mỹ sẽ buộc Nga phải có trách nhiệm với những hành động của mình và phải tôn trọng Thỏa thuận Minsk,  Lục địa già vẫn có lý do để quan ngại. Thời gian tới, có khả năng Mỹ vẫn cam kết duy trì đường lối ủng hộ và hỗ trợ các đồng minh lâu năm và các cơ chế liên quan trong đó có NATO, nhưng không thể phủ nhận quan điểm mới của tân chính quyền tại Washington sẽ thử thách sự gắn kết, việc củng cố niềm tin của NATO nói riêng, châu Âu nói chung.