Châu bản triều Nguyễn - Triển vọng trở thành Di sản tư liệu thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị toàn thể diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) mới đây, UNESCO đã chính thức công nhận khối Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Văn Huề - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, xung quanh vấn đề bảo tồn, phát huy di sản cùng giá trị pháp lý trong vấn đề thực thi chủ quyền biển đảo mà di sản đề cập.

Tầm ảnh hưởng vươn ra thế giới

Theo ông, tại sao thế giới lại đánh giá cao giá trị tư liệu Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam?

- Châu bản triều Nguyễn có lịch sử hình thành 143 năm, được cộng gộp trong 11/13 đời vua triều Nguyễn. Châu bản phản ánh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (văn hóa, giáo dục, quân sự, tín ngưỡng...) thời kỳ thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, các chính sách đối nội và đối ngoại của triều đình nhà Nguyễn. Đặc biệt, đây là hệ thống văn bản có sự phê duyệt chính thức của các vua triều Nguyễn; là một tư liệu nguyên gốc và cao nhất của Nhà nước được xây dựng trong quá trình hoạt động của Nhà nước.
Châu bản triều Nguyễn - bộ tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.     Ảnh: Lê Đặng
Châu bản triều Nguyễn - bộ tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Ảnh: Lê Đặng
Châu bản triều Nguyễn được chia làm 3 nhóm văn bản: Nhóm thứ nhất, là các văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền triều Nguyễn soạn thảo; Nhóm thứ 2 là các văn bản do nhà vua ban hành; Nhóm thứ 3 là văn bản ngoại giao. Những văn bản đó được nhà vua xem xét, phê duyệt bút tích, bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như châu phê, châu duyệt, châu mạc... Những văn bản sau khi phê duyệt được nội các tiến hành phụng sao, bản sao gửi các cơ quan thực thi, một phần lưu giữ lại nội các.

Trong khối lượng lớn Châu bản triều Nguyễn mà Việt Nam đang sở hữu có những văn bản đề cập đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung của Châu bản có sức ảnh hưởng như thế nào trong lần công nhận này, thưa ông?

- Trong khối Châu bản triều Nguyễn có những tập đề cập đến vấn đề thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là những văn bản có chứng cứ pháp lý rất cao, có bút tích, đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống chính trị. Điều đó chứng tỏ từ xa xưa, cha ông ta đã chú trọng đến vấn đề thực thi chủ quyền biển đảo.

UNESCO đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng đối với các hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản tư liệu khu vực. Tại hội nghị lần này, UNESCO đánh giá cao nội dung cũng như tính pháp lý cùng tầm ảnh hưởng quốc tế của Châu bản. Và điều đó có nghĩa nội dung của các văn bản đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Châu bản cũng được công nhận, được nâng lên tầm quốc tế. Tiêu chí thứ 2 của việc công nhận là tính xác thực, độ tin cậy, thể hiện qua sự phê duyệt của nhà vua, sự xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền bằng hệ thống con dấu, ấn chương trên văn bản và độ gốc của văn bản. Ngoài ra, UNESCO cũng yêu cầu di sản phải có tính độc đáo, duy nhất. Điều này được thể hiện qua việc châu bản là khối tài liệu quý và duy nhất của Việt Nam. Thế giới và khu vực xem xét những tiêu chí để công nhận di sản nên giá trị của Châu bản đã vượt qua phạm vi của Việt Nam, vươn ra khu vực và thế giới.

Tiềm năng của di sản

Nhiều nhà khoa học đánh giá, Châu bản triều Nguyễn không chỉ dừng lại ở việc được công nhận là Di sản tư liệu ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn có tiềm năng trở thành Di sản tư liệu thế giới. Theo ông, tiềm năng ấy thể hiện ở những điểm nào?

- Việc xây dựng hồ sơ đề nghị được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là bước đầu tiên để chúng ta tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu về di sản. Qua quá trình sưu tập và theo dõi hội nghị, tôi cho rằng, Châu bản triều Nguyễn rất có triển vọng trở thành Di sản tư liệu thế giới. Bởi hiện nay chúng ta sở hữu 700 tập Châu bản, tương đương với 85.000 khối văn bản. Châu bản phản ánh trọn vẹn toàn bộ các mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả một triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, trải dài trong 143 năm. Đặc biệt, đây là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội Việt Nam không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt văn hóa, tư tưởng, kinh tế và thương mại... Đây là nguồn tư liệu rất có ý nghĩa với các nhà nghiên cứu lịch sử. Hơn nữa, thông tin trong Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh chính sách ngoại giao, đối ngoại, thương mại đối với các nước trong khu vực và thế giới.

Châu bản triều Nguyễn là di sản thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận trong hạng mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn các Di sản đang gặp khó. Hiện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 đã thực hiện các biện pháp gì để bảo tồn 700 tập Châu bản?

- Hơn 10 năm trở lại đây, Trung tâm đã tiến hành phục chế hầu hết Châu  bản bị hư hỏng. Ngoài ra, các Châu bản đã được tiến hành số hóa, lập cơ sở dữ liệu trên hệ thống mạng nội bộ của trung tâm, tránh việc đưa bản gốc phục vụ công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay có gần 10% số Châu bản bị hư hỏng nặng, chưa khắc phục được. Sau khi Châu bản được công nhận là Di sản tư liệu khu vực thì trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị cần cao hơn, nên bên cạnh những việc đã làm trong thời gian vừa rồi, Trung tâm đang đề xuất nhiều kế hoạch tăng cường phát huy giá trị của khối tài liệu. Trước đây chúng ta mới xây dựng được mục lục cho các Châu bản, tiến tới cần tập trung biên soạn công bố các nội dung mà Châu bản đề cập. Tiếp theo là sẽ tăng cường giới thiệu Châu bản trên diện rộng. Trong tương lai, Trung tâm sẽ xây dựng một không gian Châu bản triều Nguyễn phục vụ công chúng, là điểm đến của các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, nhiều hoạt động như tổ chức triển lãm tại các không gian triển lãm lớn như Văn Miếu Quốc Tử Giám, trung tâm triển lãm của các tỉnh... cũng sẽ được tiến hành.

Xin cảm ơn ông!