Châu Phi trước cuộc bùng nổ dân số mang tính "địa chấn"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Phi đang bước vào một trong những thời kỳ chuyển biến về nhân khẩu học mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Với tỷ lệ tăng dân số lên tới 5,8%, vượt xa mức 3,7% của châu Á, châu Phi sẽ chiếm gần 40% dân số thế giới vào cuối thế kỷ này.

Theo báo cáo mang tựa đề "Châu Phi Thế hệ 2030" do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 12/8, mặc dù chỉ chiếm 9% dân số thế giới vào năm 1950, nhưng đến cuối thế kỷ này châu Phi sẽ chiếm khoảng 40% dân số thế giới, trong đó gần 50% là trẻ em.

Báo cáo nhận xét: "Tương lai của nhân loại đang ngày càng mang màu sắc châu Phi."

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: wikipedia.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: wikipedia.org)
Báo cáo mới nhất này của UNICEF, dựa trên những số liệu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) rà soát lại, cho biết trong khi tất cả các châu lục khác sẽ chứng kiến sự phát triển chậm lại trong tăng trưởng dân số, thậm chí có nơi suy giảm, thì châu Phi sẽ tăng mạnh mẽ, với 1,8 tỷ trẻ sẽ ra đời trong vòng 35 năm tới.

Với tổng số dân dự kiến lên tới 4,2 tỷ vào cuối thế kỷ, tăng gần gấp bốn lần so với hiện nay, cứ 10 người trên thế giới sẽ có ít nhất bốn người châu Phi.

Trung tâm của "cơn địa chấn" trong xu hướng nhân khẩu học này diễn ra tại Tây Phi, đặc biệt là ở Nigeria. Với 10 ca sinh trên thế giới vào năm 2050 sẽ có một ca tại Nigeria và quốc gia hiện đông dân nhất châu Phi này sẽ có 440 triệu người vào năm 2050 so với 184 triệu người vào năm 2015.

Báo cáo cho rằng châu Phi có thể gặt hái lợi thế từ cơ cấu nhân khẩu học của mình nhờ lực lượng lao động lớn hơn và số người phụ thuộc thấp hơn. Cuộc bùng nổ dân số này có thể giúp chuyển hóa lục địa đen, xóa bỏ thời kỳ đói nghèo và bất bình đẳng kéo dài hàng thế kỷ nay.

Tuy nhiên, báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ châu Phi nghiên cứu xu hướng này một cách nghiêm túc và ưu tiên đầu tư cho giới trẻ để tránh những tác động tiêu cực từ quá trình này có thể làm suy yếu những nỗ lực nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua tăng trưởng kinh tế, và nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến gia tăng nghèo đói và đẩy nhiều người ra bên lề xã hội nếu tăng trưởng không được đảm bảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần