Cháy, nổ - Nỗi lo tử thần “gõ cửa” bất thình lình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều đời nay, dân gian vẫn có câu cửa miệng “cẩn thận củi lửa”, điều ấy trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó khi không ít vụ cháy, nổ diễn ra trong tuần qua khiến nhiều người vô cùng bàng hoàng và lo lắng. Tử thần có thể “gõ cửa” bất cứ lúc nào chỉ vì con người mất cảnh giác với những “tia lửa” tưởng chừng như vô hại. Cụ thể, hơn 6h sáng 13/3, một ngọn lửa lớn bùng phát đã bao trùm toàn bộ khu vực nhà kho sản xuất dao cạo của Công ty TNHH Dorco Living Vina, khu Công nghiệp Phố Nối A (Văn Lâm, Hưng Yên), sau đó nhanh chóng lan rộng cả trăm mét vuông. Để dập tắt “bà hỏa”, công an tỉnh Hưng Yên đã phải cần đến sự chi viện của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội. Tiếp đó, khoảng 9h30 sáng 15/3, nghe hệ thống báo cháy vang lên, toàn bộ giáo viên trường mầm non Hoàng Mai 1 (đường 198 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh) vội vã di tản hơn 500 học sinh. Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đã điều 6 xe chuyên dụng cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường, nhưng đây chỉ là một vụ báo cháy nhầm.

Kinhtedothi - Từ nhiều đời nay, dân gian vẫn có câu cửa miệng “cẩn thận củi lửa”, điều ấy trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó khi không ít vụ cháy, nổ diễn ra trong tuần qua khiến nhiều người vô cùng bàng hoàng và lo lắng. Tử thần có thể “gõ cửa” bất cứ lúc nào chỉ vì con người mất cảnh giác với những “tia lửa” tưởng chừng như vô hại.

Cụ thể, hơn 6h sáng 13/3, một ngọn lửa lớn bùng phát đã bao trùm toàn bộ khu vực nhà kho sản xuất dao cạo của Công ty TNHH Dorco Living Vina, khu Công nghiệp Phố Nối A (Văn Lâm, Hưng Yên), sau đó nhanh chóng lan rộng cả trăm mét vuông. Để dập tắt “bà hỏa”, công an tỉnh Hưng Yên đã phải cần đến sự chi viện của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội. Tiếp đó, khoảng 9h30 sáng 15/3, nghe hệ thống báo cháy vang lên, toàn bộ giáo viên trường mầm non Hoàng Mai 1 (đường 198 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh) vội vã di tản hơn 500 học sinh. Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đã điều 6 xe chuyên dụng cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường, nhưng đây chỉ là một vụ báo cháy nhầm.
Hiện trường vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông. Ảnh: Văn Trọng
Hiện trường vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông.
Tới chiều 17/3, tại Công ty Hoa Dương trên Quốc lộ 1 thuộc phường Bình Trị Đông A - quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ cháy lớn, dù bảo vệ chữa cháy tại chỗ dập lửa nhưng bất thành. Trong nhà xưởng chứa nhiều vật liệu dễ cháy như vải, bông sợi nên lửa bùng phát dữ dội, cột khói bốc cao hàng chục mét khiến 20 xe chữa cháy, hàng chục chiến sĩ phải vô cùng vất vả mới dập được đám cháy. Chưa dừng lại ở đó, tối ngày 18/3, tại Hà Nội, một xưởng sản xuất đồ gỗ tại thôn Giếng, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa tiếp tục lan sang 2 xưởng bên cạnh, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do khó tìm được nguồn nước dập lửa... 

Và sự kiện nổi nhất, khiến dư luận thật sự “chấn động” chính là vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội chiều 19/3. Nguyên nhân ban đầu được các đơn vị chức năng xác định là do anh Phạm Văn Cường (SN 1975, quê Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu) mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, phá bán sắt vụn. Đến 8h30 ngày 19/3/2016, anh Cường nhờ hàng xóm lăn giúp ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40-45cm, dài khoảng 80cm, khối lượng khoảng trên 100kg. Quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường, đi ngang qua bị hư hỏng. Cùng với việc khắc phục hậu quả vụ nổ và điều tra nguyên nhân của các cơ quan chức năng, lãnh đạo TP Hà Nội đã kịp thời có mặt tại hiện trường để thị sát tình hình, vào thăm bệnh nhân trong bệnh viện và động viên các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng từ vụ nổ.

Đáng chú ý, vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông xảy ra cùng với ngày UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) lần thứ 18 năm 2016.

Hơn thế nữa, một vài năm trở lại đây, phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về việc tại một số tỉnh trên cả nước, có một số vụ nổ xảy ra do người dân thu mua phế liệu cưa phải bom gây nổ lớn. Thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm thu mua mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, chỉ vì lợi nhuận, thiếu hiểu biết trong quá trình thu mua phế liệu, đã liều mình dùng vật liệu để cưa bom, dẫn đến việc tử thần "gõ cửa" bất thình lình, gây tai nạn thương tâm. Điều này càng khiến cho việc cảnh báo, khống chế cháy, nổ, công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về phòng chống cháy, nổ lại càng trở nên bức thiết, thường trực hơn, như lời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh tại lễ phát động trên: “Đây là thực tế nhức nhối mà chúng ta cần có giải pháp khắc phục một cách quyết liệt trong thời gian tới”.