“Cháy phòng” Khách sạn 5 sao ở Hà Nội: Vừa mừng, vừa lo

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Savills, 6 tháng đầu năm, hoạt động của khách sạn 5 sao tại Hà Nội xét cả về giá và công suất, đều đạt mức tốt nhất trong vòng 5 năm qua.

Đây lẽ ra là tín hiệu vui của một điểm đến, nhưng giới lữ hành lại tỏ ra lo lắng, bởi nguyên nhân của hiện tượng này là do thiếu nguồn cung khách sạn cao cấp khiến giá phòng ngày một đắt đỏ.

Giá phòng cao gấp 2 lần Bangkok

Có lẽ chưa bao giờ giới kinh doanh dịch vụ lưu trú lại mừng như hiện tại. Các khách sạn 5 sao liên tục “cháy phòng”, khiến công suất cao kỷ lục. Theo nhận định của bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội về tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn 5 sao ở Thủ đô: Thị trường khách sạn tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt xét về cả công suất lẫn giá phòng. Hoạt động của phân khúc 5 sao đóng góp lớn vào việc tăng công suất khách sạn trung bình 4 điểm % theo quý và 10 điểm % theo năm. Giá phòng bình quân cũng tăng 21% theo quý và 41% theo năm do sự tăng giá của tất cả các phân khúc. Doanh thu phòng trung bình tăng 28% theo quý và 64% theo năm. 6 tháng đầu năm 2017, công suất khách sạn 5 sao tại Hà Nội đạt mức tốt nhất trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, hiếm có khi nào du khách phải khó khăn mới đặt được phòng ở khách sạn 5 sao như quý I. Thậm chí, nhiều khách sạn 5 sao còn “cháy phòng”.

Một khách sạn 5 sao trên phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.  Ảnh: Phạm Hùng

Lý giải về điều này, bà Hằng cho rằng, thời gian qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, riêng tại Hà Nội đạt 1,3 triệu lượt trong quý I. Tuy nhiên, nguồn cung thị trường khách sạn 5 sao tại Hà Nội lại hầu như không đổi, thậm chí giảm 4% so với năm ngoái. Theo nhận định của Savills, khoảng 40% du khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú tại Hà Nội. Nhu cầu khách sạn 5 sao tăng cao, trong khi nguồn cung không tăng thêm là nguyên nhân chính khiến khách sạn tại Hà Nội hoạt động hết công suất, đồng thời kéo giá phòng tăng cao.

Tổng số cơ sở lưu trú được xếp hạng trên địa bàn TP là 576 cơ sở, với 21.757 buồng. Trong đó có 15 khách sạn 5 sao, 15 khách sạn 4 sao, 34 khách sạn 3 sao. Tổng số 64 khách sạn từ 3 - 5 có 9.301 phòng và 5 căn hộ du lịch cao cấp.

Theo giới chuyên môn, số lượng khách sạn 4 - 5 sao của Hà Nội như vậy là quá thấp.

Đây cũng là điều khiến giới lữ hành lo lắng. Theo Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt, sự thiếu hụt khách sạn 5 sao đang gây cản trở sự phát triển của du lịch Hà Nội. Bởi thiếu phòng cao cấp, giá lại cao khiến Hà Nội giảm năng lực cạnh tranh trong việc thu hút các thị trường có mức chi tiêu cao như Nhật Bản, châu Âu và khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện). Ông Đạt phân tích: “Hà Nội vốn không có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Thế mạnh của Thủ đô là du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch MICE. Đặc biệt, Hà Nội rất giàu tiềm năng phát triển du lịch MICE nhờ vị thế là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước; điểm chung chuyển du khách của Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, vì thiếu phòng khách sạn 5 sao nên khách MICE và khách cao cấp thường lưu trú lại Thủ đô ít ngày hơn so với những điểm đến khác để giảm chi phí”. “Thực tiễn hoạt động của TransViet cho thấy, giá phòng khách sạn 5 sao ở Hà Nội cao gấp hơn 2 lần Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Chính vì thế, thay vì tổ chức ở Hà Nội như dự kiến ban đầu, nhiều đoàn MICE đã chuyển sang Bangkok” - ông Đạt dẫn chứng.

Sẽ có thêm 21 khách sạn 4 - 5 sao

Thời gian gần đây, Hà Nội đã ưu tiên thu hút đầu tư nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch với sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức như VinGroup, Sun Group, BRG, AIC… Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch dần được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Quỹ đất tại các vị trí thuận lợi ở khu vực trung tâm TP đã được ưu tiên đầu tư phát triển các công trình khách sạn cao cấp.

Tuy nhiên, từ năm 2011 – 2016, số phòng lưu trú và lượng khách sạn của Việt Nam đã tăng gấp đôi thì tại Hà Nội chỉ có thêm vài khách sạn mới với tổng số 1.200 phòng. Đây là một con số khá khiêm tốn so với vị thế của một TP du lịch. Tại nhiều địa phương khác đã xuất hiện những khách sạn cao cấp trên dưới 1.000 phòng và cũng đã xuất hiện những tổ hợp khách sạn lên đến 4.000 – 6.000 phòng như ở Phú Quốc, Nha Trang.

Theo khảo sát của phóng viên, trong khu vực phố cổ hiện có nhiều khách sạn nhỏ, thậm chí là có những khách sạn chỉ 8 - 12 phòng, nhưng giá rất cao. Rất khó tìm được phòng giá 30 USD/đêm, thường phải khoảng 50 USD/phòng trở lên. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của khách chi tiêu cao, Hà Nội cần có những khách sạn quy mô lớn hơn với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí để hấp dẫn khách.

Trước bất cập thiếu khách sạn 5 sao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra mục tiêu: Trong 5 năm tới, Thủ đô sẽ xây thêm 20 khách sạn cao cấp, tương đương với khoảng 20.000 phòng lưu trú; gần bằng tổng số phòng khách sạn cao cấp của Hà Nội hiện nay. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Hà Nội. Tính đến tháng 6/2017, danh mục các dự án đầu tư xây dựng khách sạn 4 và 5 sao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, có 21 khách sạn 4 - 5 sao với tổng số 6.272 phòng. Các địa điểm đã được phê duyệt tại khu vực quận Hoàn Kiếm (gần Hồ Gươm) như 22 - 32 Lý Thái Tổ; 22 - 24 Hàng Bài; 39 Hai Bà Trưng; 1 Bà Triệu; cải tạo lại khách sạn Hòa Bình… Ngoài ra, còn có các khách sạn 4 - 5 sao tại: 10 Trấn Vũ; 175 Nguyễn Thái Học; 61 Trần Phú; 15 Thành Công; 146 Giảng Võ; 25 Trần Khánh Dư; 198 Trần Quang Khải; 2 Thái Hà; 9 Cát Linh; 58 Tây Hồ; Phạm Hùng,…

Với 21 khách sạn 4 - 5 sao sẽ được đầu tư, xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2020, có lẽ, vẫn là chưa đủ so với tốc độ tăng trưởng khách như hiện nay. Do đó, giới kinh doanh lữ hành đều mong mỏi TP sẽ tiếp tục có những chính sách ưu tiên và kêu gọi các nhà đầu tư chi mạnh xây dựng các khách sạn cao cấp tại Thủ đô.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ NghệGiá phòng khách sạn 5 sao chênh lệch lớn, gây khó cho lữ hành

Không chỉ thiếu khách sạn 5 sao ở khu vực trung tâm, giá phòng cao, việc chênh lệch giá quá lớn giữa các khách sạn 5 sao đang gây khó cho các DN lữ hành. Chẳng hạn, khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội cao hơn rất nhiều so với khách sạn Grand Plaza Hà Nội. Bản thân Công ty Du lịch Quốc tế ITC cũng rất khó khăn và gần như không thể đặt phòng ở Khách sạn Sofitel Metropole vì giá quá đắt. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý kiểm soát mức giá chênh lệch trong cùng hệ thống khách sạn 5 sao để phân định rõ phân khúc thị trường. Đồng thời, không để DN lưu trú lợi dụng việc thiếu hụt phòng khách sạn 5 sao mà nâng giá vô tội vạ, khiến giá tour ngày càng trở nên đắt đỏ.


Hiện tại với tốc độ tăng trưởng trên 10% đã thấy Hà Nội đang thiếu nhiều khách sạn cao cấp 3 – 5 sao. Vậy nếu đạt tốc độ tăng trưởng du lịch là 30% thì rất có thể, nhiều du khách sẽ không thuê được phòng khách sạn cao cấp khi đến Hà Nội du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch  Nguyễn Văn Tuấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần