Sáng 24/11, UBND quận Đống Đa phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tầng hầm tại tòa nhà Mipec Tower (số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo đó, lực lượng chức năng đã đặt ra tình huống trong buổi diễn tập là xảy ra sự cố rò rỉ xăng dầu (từ ô tô) gây cháy tại tầng hầm B1 của tòa nhà Mipec Tower. Trong khi đó hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động sprinkler của tòa nhà đang trong quá trình bảo dưỡng nên không hoạt động. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, ảnh hưởng đến lối thoát nạn.
Sự cố cháy đã tạo ra lượng khói lớn bao phủ, ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm B1 làm cho tầm nhìn khu vực hạn chế. Vụ hỏa hoạn gây ra sự hoảng loạn đối với những người đang có mặt tại tầng hầm và bên trong tòa nhà. Trong quá trình thoát nạn có 2 người mắc kẹt tại tầng 5 không có khả năng di chuyển…
Ngay sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ của tòa nhà Mipec Tower và phường Ngã Tư Sở đã nhanh chóng chữa cháy ban đầu, sơ tán đồ đạc và hướng dẫn nhiều người dân thoát nạn. Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phối hợp cùng các lực lượng Công an, Ban Chỉ huy quân sự, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã điều động phương tiện và cán bộ, chiến sĩ đến tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Phòng Cảnh sát PCCC số 8 cũng chi viện phương tiện và nhân lực đến hiện trường để dập lửa và cứu nạn.
Với sự nỗ lực của 50 chiến sỹ Cảnh sát PCCC TP cùng với các lực lượng công an, chính quyền cơ sở, cán bộ nhân viên của tòa nhà; sau khoảng 30 phút, lửa trong tầng hầm đã được dập tắt. Lực lượng chức năng tiếp tục phun nước chống cháy lan sang các khu vực khác. Những người còn mắc kẹt lại trong tầng hầm và đặc biệt là 2 người mắc kẹt ở tầng 5 của tòa nhà đã được giải cứu an toàn. Cuộc diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp, phương tiện và nhân lực tham gia được bảo đảm an toàn.
Trung tá Nguyễn Minh Thành – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chia sẻ: Đối với cơ sở, thông qua buổi diễn tập nhằm nâng cao nhận thức vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và lực lượng PCCC cơ sở đối với công tác PCCC. Đồng thời, quán triệt việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn trong tổ chức chữa cháy; thực hiện quy trình tổ chức chữa cháy, sử dụng thành thạo hệ thống PCCC tại chỗ của cơ sở. Kiểm tra sự phối hợp, điều hành chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng PCCC cơ sở; sự phối hợp PCCC cơ sở với lực lượng PCCC, CNCH chuyên nghiệp của TP Hà Nội. Đánh giá khả năng hoạt động của các hệ thống kỹ thuật và các phương tiện chữa cháy, CNCH đã trang bị; các hệ thống liên động khi có sự cố cháy xảy ra trong tòa nhà…
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC TP, qua đó tiếp tục chủ động về lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy và CNCH khi có tình huống cháy xảy ra. Kiểm tra về sự phối hợp với lực lượng PCCC của cơ sở; đánh giá, kiểm tra về trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH hiện có. Từ đó, rút kinh nghiệm để chủ động sẵn sàng tổ chức chữa cháy và CNCH các vụ cháy, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nâng cao từng bước việc tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở.
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại buổi diễn tập: