Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chế định Thừa phát lại: Tăng tốc để cán đích vào năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, công tác tư pháp của TP đã có nhiều cải cách theo hướng xã hội hóa, giảm tải cho cơ quan công quyền, tạo thuận lợi cho người dân.

Chế định Thừa phát lại: Tăng tốc để cán đích vào năm 2015 - Ảnh 1
 Chế định Thừa phát lại (TPL) được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng. Bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2014, các Văn phòng TPL tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã tạo ra một phương thức làm việc hoàn toàn mới: Sử dụng dịch vụ pháp lý cho người dân Thủ đô. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội về công tác tuyên truyền và triển khai chế định TPL.

Xin bà cho biết kết quả đạt được sau hơn nửa năm thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP?

- Tính đến tháng 10/2014, UBND TP đã cấp phép thành lập 8 Văn phòng theo Đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho các Văn phòng. Sau một thời gian hoạt động, 8 Văn phòng TPL của Hà Nội đã thu được những kết quả nhất định: Lập được 752 vi bằng; tống đạt hơn 2.710 văn bản của Tòa án, 2.422 văn bản của cơ quan thi hành án (THA) dân sự; xác minh điều kiện THA 39/49 vụ; tổ chức THA 7/14 vụ. Quan trọng hơn, sự hiện diện của các Văn phòng TPL giúp "giảm tải" cho các cơ quan tòa án và THA, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.
Một buổi tuyên truyền trực tuyến với các chi nhánh PVcombank của Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Một buổi tuyên truyền trực tuyến với các chi nhánh PVcombank của Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng, Hà Nội.
"Vạn sự khởi đầu nan", các Văn phòng thực hiện thí điểm chế định TPL đã gặp phải không ít khó khăn. Bà có thể chia sẻ về những khó khăn đó?

- Đúng vậy, hiện nay dù đã được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện về nhiều mặt, Sở Tư pháp là đơn vị trực tiếp triển khai việc thí điểm chế định TPL của TP, luôn theo sát hoạt động của các Văn phòng TPL để có hướng dẫn kịp thời, nhưng thực tế hoạt động của các Văn phòng TPL vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Lượng việc và doanh thu của một số Văn phòng hiện còn thấp, có Văn phòng hàng tháng thu chưa đủ bù chi phí hoạt động. Một trong những khó khăn lớn nhất là người dân, thậm chí nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước cũng vẫn còn lạ lẫm với chế định này. Theo chia sẻ của các Văn phòng TPL, không ít trường hợp chính quyền, công an xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố chưa nắm được thông tin về chế định TPL nên chưa tích cực hợp tác, từ chối yêu cầu xác minh thông tin của TPL hoặc mất rất nhiều thời gian mới cung cấp kết quả chính thức.

Còn về phía người dân, không thể phủ nhận đa số vẫn có suy nghĩ dịch vụ pháp lý từ các cơ quan công quyền đáng tin cậy hơn mà chưa có thói quen sử dụng dịch vụ từ các Văn phòng TPL. Đây cũng là một khó khăn mà Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TP xác định cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về TPL trong thời gian tới.

Dự kiến, cuối năm 2015, Chính phủ sẽ tổng kết và báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn cả nước. Vậy, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo TP, Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh biện pháp gì để góp phần cho Thủ đô "cán đích", thưa bà?

- Sở Tư pháp xác định công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TPL trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan Nhà nước ở T.Ư và địa phương quan tâm, phối hợp với TPL hoàn thành nhiệm vụ; để người dân biết, hiểu, tin và sử dụng dịch vụ của TPL; tăng cường tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho TPL, đảm bảo chất lượng công việc; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Văn phòng TPL triển khai các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo TP giải quyết đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền của TP. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị cần có Luật về TPL để làm căn cứ pháp lý cho triển khai hoạt động về TPL có hiệu quả trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bà!
Thí điểm chế định TPL là một giải pháp về cải cách tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị "Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" và đã được thể chế hóa tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 của Quốc hội. Sau những thành công nhất định của chế định này tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong 13 địa phương được lựa chọn tiếp tục làm thí điểm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Việc thực hiện thí điểm chế định TPL nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan THA và tòa án như thực hiện việc tống đạt các văn bản, giấy tờ của tòa án hoặc cơ quan THA dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của cơ quan THA theo yêu cầu của đương sự. Ngoài ra, TPL được thực hiện việc lập vi bằng và xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.