Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi:

Chè “Shan Tuyết” trên núi Cà Đam

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nơi núi Cà Đam mát mẻ quanh năm, những đồi chè Trà Nham cổ thụ bén rễ sâu trong đất và hít khí trời, tạo nên loại chè đặc sản được quý ví như chè Shan Tuyết ở các tỉnh phía Bắc.

“Báu vật” của người Cor

Huyện Trà Bồng được biết đến là xứ sở của cây quế, thế nhưng, tại mảnh đất này, còn có một loại cây trồng khác đã gắn bó lâu đời với đồng bào Cor. Đó là cây chè xanh ở vùng phía bắc đỉnh núi Cà Đam- ngọn núi cao nhất Quảng Ngãi, thuộc thôn Trà Vân, xã Trà Nham (nay là xã Hương Trà, huyện Trà Bồng).

Chè được khai thác bằng cách bẻ cành.
Chè được khai thác bằng cách bẻ cành.

Chè nơi đây được trồng thành rừng, có những cây cổ thụ bằng cả người ôm và khai thác bằng cách bẻ cành. Chè xanh Trà Nham là chè sạch, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Chè bẻ ở cây càng cao thì càng có giá trị và bán được giá hơn.

Với người Cor ở vùng đất Hương Trà, những đồi chè cổ thụ này chính là niềm tự hào và luôn được gìn giữ như "báu vật" vì đã mang lại sinh kế cho họ từ bao đời nay. Ở vùng chè này, cây ít nhất vài chục tuổi, nhiều tuổi cũng thuộc hàng trăm năm.

“Từ xa xưa, cây chè đã tồn tại ở đây. Ngoài việc dùng để nấu nước uống hằng ngày, trong sinh hoạt gia đình, chè còn dùng để đổi cá, mắm và các mặt hàng khác trong đời sống hằng ngày”, anh Hồ Văn Vàng (xã Hương Trà) cho biết.

Rừng chè cổ thụ ở xã Hương Trà.
Rừng chè cổ thụ ở xã Hương Trà.

Theo tìm hiểu, xã Hương Trà là xã vùng cao duy nhất ở Trà Bồng phát triển được cây chè, tập trung nhiều ở thôn Trà Huynh và Trà Vân. Ban đầu, vùng này chỉ đủ khai thác để uống và sử dụng cho các gia đình ở các thôn và vùng lân cận.

Dần dà, khi người tiêu dùng ngày càng hướng về các sản phẩm thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, chè bẻ cành Trà Nham ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn.

Hiện ở thôn Trà Vân có chừng chục hecta chè cổ thụ tự nhiên hơn trăm năm tuổi, nằm sâu trong núi. Đây là giống chè cổ rất quý của địa phương, được người dân ở đây chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là khi chè Trà Nham được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo những chuyến xe, bình quân mỗi ngày có vài tạ chè xanh được vận chuyển về miền xuôi để tiêu thụ. Nhờ vào sự siêng năng, chăm chỉ, công việc bẻ chè giúp các hộ dân người Cor đổi được cá, rau với người miền xuôi để cải thiện đời sống kinh tế hằng ngày, dành dụm nuôi con ăn học.

Chè xanh mang lại thu nhập cho người dân bản địa.
Chè xanh mang lại thu nhập cho người dân bản địa.

Chị Hồ Thị Dưa (xã Hương Trà ) chia sẻ: “So với cây keo, cây mì, chè có nguồn thu nhập cao hơn. Tranh thủ thời gian rảnh, bẻ chè là có tiền và có thức ăn hằng ngày".

Đã từng có những nghiên cứu khoa học về cây chè trên dãy Cà Đam, ở thôn Trà Vân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở thôn Trà Vân có hương vị thanh, nhẹ, màu sắc sóng sánh như mật ong. Ngay cả ở các xã vùng cao khác và xã gần đó, chè cũng không ngon bằng. 

Do đó, chè ở đây còn được mệnh danh là chè Shan Tuyết- loại thơm ngon vào loại bậc nhất, thường mọc trên núi cao và thường thấy ở những nơi có độ cao hơn 1.200m trở lên, nằm ở các tỉnh phía Bắc, quanh năm mây mù bao phủ.

Tìm hướng đi bền vững

Dẫu vậy, cây chè Trà Nham đến nay vẫn chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi, buôn bán sản phẩm tươi, chưa hình thành được những sản phẩm sau chế biến vì chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị trong trồng, sản xuất và tiêu thụ.

Chè Trà Nham chỉ mới dừng lại trong việc trao đổi, buôn bán sản phẩm tươi.
Chè Trà Nham chỉ mới dừng lại trong việc trao đổi, buôn bán sản phẩm tươi.

“Địa phương kêu gọi người dân ổn định vùng chè. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tiến hành quy hoạch vùng chè, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư và có hướng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây chè. Cây chè Trà Nham đã có thương hiệu, việc cần làm bây giờ là đưa sản phẩm đến những thị trường rộng hơn”, Bí thư Đảng ủy xã Hương Trà Hồ Thị Hưng bày tỏ.

Lợi thế của vùng chè Trà Nham là được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát lạnh quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp. Đồng thời, trồng chè không tốn nhiều thời gian chăm sóc, hạn chế được thuốc trừ sâu, phân bón nên chi phí đầu tư thấp. Do đó, cùng với cây quế, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương với khoảng hơn 100ha.

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương.

Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Nham đang dự định phát triển nhà máy chế biến và sản xuất các sản phẩm chè sau chế biến tại xã Hương Trà. Trước mắt là đưa vào sản xuất các sản phẩm sau chế biến để đưa ra thị trường, hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè, nâng cao năng suất, sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn.  

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy, qua đánh giá sản lượng, trung bình mỗi năm vùng chè Trà Nham thu hoạch khoảng 300 tấn nhưng giá bán ra thị trường vẫn còn thấp.

Hiện nay, tỉnh đã đánh giá chè là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Từ nay đến giai đoạn về sau, huyện không mở rộng diện tích nhưng sẽ cố gắng duy trì diện tích hiện có và tập trung nâng cao giá trị cho cây chè hơn.

“Huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp để về đầu tư, hình thành các sản phẩm sau chế biến. Hiện nay đã có doanh nghiệp thấy được tiềm năng, lợi thế từ lá chè và cũng đưa ra những định hướng phát triển các sản phẩm”, bà Thúy nói.