Tôi bán tạp hóa và cà phê. Tuy ở thành phố, nhưng xóm lại nằm cuối một con ngõ sâu hun hút, nhộn nhạo nhà ổ chuột xen lẫn những ngôi nhà hai, ba tầng cũ kỹ. Dân không nhiều tiền, việc bán kèm cà phê là chủ ý của cô vợ thích năng nhặt chặt bị của tôi. Ông khách tên Lê, và có lẽ là một vị khách đặc biệt nhất, khá ham vui, có thể lê la kề cà với đám trẻ cả ngày. Ông kể, mình là một giảng viên đại học. Nghe đến giảng viên, lũ loắt choắt như tôi cứ mắt chữ a mồm chữ o. Nể. Bái phục. Cặp kính cận dày cộp với bộ râu được tỉa tót kỹ lưỡng dường như là một minh chứng cho những gì ông nói. Vả lại, chúng tôi có bao giờ hỏi bằng cấp, và chẳng bao giờ muốn kiểm chứng những điều ấy. Vâng, không muốn kiểm chứng, vì ông ấy nói mình sống sang trọng và giàu. Với vợ chồng tôi, mỗi ngày kiếm vài ba trăm đủ trả tiền thuê ki - ốt, chi tiêu lặt vặt và dành dụm chút ít khi sinh con, thế là ổn. Có tài cán gì mà tranh khôn tranh giỏi với ai. Ông ấy nói thì biết nghe. Khách đến uống, ăn, mua hàng nói năng bốc giời cũng mặc. Đói chẳng xin, giàu cũng chẳng chia. Nhưng ông khiến tôi suy nghĩ. Ông ấy khoe mình luôn được mời dạy thêm cho những lớp ôn luyện dự thi đại học, rồi đám học trò nhí nhố muốn kiếm cái bằng thạc sĩ gì đó. Tiền triệu mỗi buổi chứ không ít. Ôi giời ơi. Ông đi dạy một vài buổi bằng vợ chồng tôi chong mắt bán hàng đến cả tháng. Đôi lúc ông ấy mang cho tôi ít thịt rang, ít canh xương. Có quý người ta mới quan tâm. Hay quá, ông cho thì con xin nhận. Ra phố ào ạt mưu sinh, suồng sã kiếm tiền, có khách uống cà phê quan tâm quý mến tốt quá đi chứ. Tôi nói với vợ thế. Vợ tôi sống nhiều ngoài này gặp quá nhiều người và cách cư xử, vui vẻ nhận tình cảm của ông Lê. Nay ta mai người, khách sáo làm gì. Hỏi ra, ông Lê sống với cô con gái, ở một khu nhà cách khu chúng tôi vài dãy. Tôi chưa vào khu nhà ông và cũng chả có việc gì để vào đó. Ông có cô con gái chạc tuổi vợ tôi, bự phấn và theo cách nói thì bất cần đàn ông. Cô không quá xinh nhưng có chút hấp dẫn của một cô gái điệu đàng thích ăn mặc hở hang. Trên tay, trên cổ cô trưng bày rất nhiều món đồ được cho là đắt tiền. Bộ móng tay cũng được sơn gắn không chỉ sặc sỡ màu sắc mà có đá quý. Nghe cô này nói thì ai cũng há hốc mồm, nhất là vợ tôi, thốt lên cô ấy đã đẹp lại sinh ra trong gia đình giàu có. Bữa cơm hôm ấy, cô vợ ca cẩm sao mình vất vả mãi vẫn khổ. Ráo mồ hôi là hết tiền. Tôi chỉ biết thở dài. Là thằng đàn ông, không học hành tử tế, không việc làm nhiều tiền, dặt dẹo thuê trọ bán tạp hóa, đá tí cà phê, biết bao giờ nở mày nở mặt. Đã thế, lúc ngồi tiếp mấy ông khách quen, họ hả hê khoe ăn "con lô", người ăn "con đề" rủng rỉnh tiền tiêu tháng này. Gã mồ hôi dầu còn khoe vừa thay cho một công ty cả hệ thống bồn cầu mới, kiếm lãi ngon ơ vài chục triệu đồng. Tôi ù cả tai.
***
Sẽ chẳng có sự ngượng ngùng gì, nếu không có người gọi tôi mang cho bình nước lọc đến xóm trọ Cây Xoài. Vác bình nước vào đó tôi đã gặp ông Lê, quần đùi áo may ô đeo kính, vẫn với bộ râu gọn gàng, nhưng đang nhễ nhại quét sân. Tôi hỏi: - Ơ, chú ở xóm này à? Ông Lê đỏ mặt, gượng quá, như sực nhớ ra điều gì, chữa cháy: - Không, chú đến ông bạn chơi ý mà, tiện tay thì quét thôi. Về kể chuyện này với vợ. Vợ tôi cam đoan ông ấy không thể là người ở xóm ấy. Ông ấy nói có nhà cửa đàng hoàng, ở dãy cao cao kia kìa, chứ không phải xóm Cây Xoài tồi tàn đó. Chẳng lẽ ông ấy lừa mình. Tôi mụ hết cả đầu. Tại sao ông ấy phải nói dối. Tôi cam đoan ông Lê ở xóm đó. Căn phòng đó, với chiếc áo treo trên tường, tôi đã thấy ông mặc nhiều lần. Nhưng ông ấy có vẻ lúng túng, khi tôi hỏi. Sao ông ấy không muốn mình là người xóm Cây Xoài? Nghèo thì đã làm sao! Tôi cứ mụ mị nghĩ mãi về ông Lê. Tối đó, quán có một vị khách mới, là gã thanh niên đầu trần đi xe máy, cánh tay xăm trổ kín mít hình thù quái đản. Gã gọi điện thoại cho bạn đến nói ra đây cà phê, chém gió. Tôi nhà quê mắt toét, ù ờ xuất khẩu lao động, về vẫn trắng tay, nay bôn tẩu kiếm ăn nào hiểu "chém gió" là cái gì. Tôi ngập ngừng hỏi, hơi quê mùa, nhưng cứ phải hỏi. - E hèm, ông anh biết "chém gió" cơ à? - Ờ, thì em cứ nói phét thế mà. Giờ thanh niên thằng nào chả "chém gió". Gã thanh niên xơi xơi nói. À, thì ra "chém gió" là nói phét, tán róc. Một trào lưu mới hiện nay. Ai mà biết được ngôn ngữ đã hiện đại đến thế. Ông Lê nói mình là giảng viên, hướng dẫn sinh viên này nọ, bồi dưỡng học sinh ôn thi đại học… có phải là "chém gió" không? Ôi giời, chắc ông này bốc đồng, tưởng không ai biết. Hèn gì, đến cả tháng sau ông vẫn có gì đó ngường ngượng khi gặp tôi. Nhưng với người khác, ông vẫn thi thoảng thốt lên mình vừa được phụ huynh học sinh mời ăn đặc sản, sơn hào hải vị, mệt mỏi vì tiệc tùng.
***
Lại một lần nữa, thật đường đột, không chỉ ông Lê ngượng mà tôi cũng ngượng. Đó là hôm chú thằng bạn thân tôi, ở ngoại thành mất. Tôi đến viếng, và vì bạn thân, nên tôi ở lại giúp vài việc. Tôi đã gặp ông Lê, trong vai trò ông là "thợ cả" của đội kèn ca trong đám tang. Ông có thể vừa thổi kèn, vừa ca rất bi ai. Dù ông Lê cố tránh, nhưng không có chỗ nào để nấp, bởi trong nhà thưa người. Và khi giáp mặt nhau, không thể không hỏi. Ông Lê ngượng ngùng nói, mình tham gia cho vui, cùng mấy người bạn trong nhóm. Vâng, chú quá siêu, tôi thốt lên, chú ca rất hay. Ông ngượng ngùng nói cảm ơn. Tang gia giới thiệu ông Lê là đội trưởng. Trời ơi, hẳn là ông ấy không bao giờ muốn được giới thiệu như thế khi có mặt tôi. Và nhìn cái cử chỉ đến tội nghiệp kìa, có vẻ ông muốn biến khỏi chỗ này. Chắc ông đang sôi sùng sục nhớ lại cảm giác "chém gió" ngoài quán cà phê hả hê thế nào, giờ phải ngấu nghiến sự ngượng ngùng xấu hổ. Đang chuẩn bị về, thì ai đó đặt bàn tay nặng trịch lên vai tôi. Quay lại, ông Lê. - Đừng nói với ai chuyện chú đi làm việc này nhé. Tôi hơi thất thần, nhưng nhìn vào đôi mắt gần như nài van của ông, tôi gật. Khi bước đi, tôi còn nghe phía sau vang một lời cảm ơn. Tôi thấy tội nghiệp. Dường như ông ấy có chuyện buồn, hoặc cuộc đời đầy giông bão. Hay ít nhất, cũng là một người lận đận. Tại sao ông ấy phải giấu công việc, hoàn cảnh của mình, và luôn thể hiện là một người giàu có? Một câu hỏi cần tìm cách trả lời.
***
Tôi giữ chuyện của mình và ông Lê, không nói với ai, kể cả với vợ. Vợ tôi vẫn tin ông ấy là người sống đàng hoàng ở khu này. Và chắc lẽ, chỉ ông ấy mới biết mình đang sống mức nào. Tôi ngấm ngầm một cuộc dò la, lựa lúc nhà ông đóng cửa, tôi lẻn vào một căn phòng ở xóm Cây Xoài. - Xóm trọ mà, ai ở đây chả biết hoàn cảnh của ông ấy. Ông ấy bị vợ bỏ, chắc vì không làm ra tiền. Ông ấy sống bằng nghề hát ca trong đám ma. Chưa kịp hỏi hết câu, anh hàng xóm đã tuôn cả một chuỗi một tràng. Vâng, điều đó em chỉ biết sơ sơ, không ngờ ông ấy có hoàn cảnh như vậy. Tôi hỏi thêm: - Thế còn cô con gái. Cô ấy ăn mặc đẹp, nói là nhân viên ngân hàng, lương cao ngất ngưởng, chuyên có giai đẹp săn đón? Anh hàng xóm giãi bày: - Ui xời, con bé ấy làm ở quầy bar, có lúc ở sàn, ăn mặc thiếu vải thế cơ mà. Vợ chồng bỏ nhau, một đứa theo mẹ, con bé đó theo bố. Ở xóm này ai chả biết, ông ấy ở Thanh Xuân, dạt đến xóm này thuê trọ cho rẻ. Có nhà cửa gì đâu. Vậy là đã rõ. Thay vì giận, tôi lại thấy ông Lê đáng thương. Khổ quá, nên phải huyễn hoặc mình, hay đó là bản tính của hai bố con họ. Định nói với vợ, nhưng lúc có cơ hội, thì lại có mặt ông Lê ngồi ở bàn, dưới gốc cây trứng cá quen thuộc, với mấy gã nhàn thân cả ngày chẳng biết làm gì ngoài mơ đổi đời từ lô đề, tôi thôi. Ông Lê vẫn thao thao bất tuyệt về cuộc sống an nhàn và sung sướng của mình. Mấy gã ngồi cùng, từ lâu đã trở thành bạn, cùng nhóm nhâm nhi cà phê vừa "chém gió" vừa thi thoảng nhậu nhẹt cũng tán chuyện. Ông vẫn cười bả lả, tôi thấy bộ râu của ông rung lên hãnh diện. Nhưng thật lạ, cứ lúc nào ông ngồi đây thì không thấy cô con gái, mà lúc nào cô con gái xuất hiện thì không thấy ông. Cứ như hai bố con nhà này thay phiên nhau. Điều khiến vợ tôi phát sốt, là cô con gái ông Lê luôn khoe hết tốc độ. Mức độ khoe tỷ lệ thuận với những lần cô xuất hiện. Như thể cô là tiểu thư lá ngọc cành vàng việc ngon và con gái đẹp bao giờ cũng có quà. Có đêm ngủ tôi thấy vợ thốt lên thèm chiếc nhẫn gắn kim cương giống như cô con ông Lê đeo. Tỉnh dậy, thấy vợ toát mồ hôi mà thương quá chừng.
***
Vừa bán hàng, vừa thấy tủi thân. Vợ tôi cũng có cảm giác đó. Mình khổ, vất vả, mà người khác sao quá sướng! Chẳng bù trừ cho nhau, san sẻ cho nhau nhỉ. Buổi tối hôm ấy, sau khi cùng nhóm quen làm một chầu bia cỏ cách quán tôi không xa, ông Lê ngồi gác chân lên ghế hồn nhiên phì phèo châm thuốc hút, súc miệng cà phê. Ông dự định cuối tháng này đi du lịch một chuyến dài, phải xả hơi, dưỡng sức, sắp hết hè mất rồi, công việc giảng dạy, thêm nếm mệt đến nhão người. Đang cao hứng thì một cô bé hàng xóm hớt ha hớt hải chạy đến, báo tin: - Chú Lê ơi, chú Lê ơi, chị Ngân, chị Ngân... bị công an bắt. Đang giữ ở nhà chú. Hình như... chị ấy có ma túy... chị ấy... Chú bỏ điện thoại ở nhà... gọi không được. Ông Lê tức tốc bỏ lại mọi chuyện, lao về nhà. Mặt ông tái nhợt, cắt không còn giọt máu... Chúng tôi cũng chạy theo. Lúc đó, công an đưa con gái ông Lê ra xe. Căn phòng chật chội của ông Lê cũng bị lục tung. Cả xóm nhốn nháo. Đêm ấy, tôi nói vợ đi ngủ sớm. Cô nàng thấy biểu hiện lạ ở tôi, hỏi. Tôi tâm sự, không giấu chuyện gì về bố con ông Lê. Nghe xong, nàng phán: - Hóa ra ông ấy khổ anh nhỉ? Đứa con gái thì nói phét, đi buôn ma túy. . - Ừ, nhìn bề ngoài thế thôi. Họ cứ "chém gió" thế, thực ra sống trong bi kịch. Ông Lê thuê trọ, sống bằng nghề ca trong đám ma, con gái làm quán bar, có sang trọng gì. Mình đâu có quá khổ, phải không em? Cứ biết sống và làm ăn lương thiện, rồi sẽ giàu. Vợ tôi gật, cù tôi, cả hai cười khanh khách.