Chen chân đội nắng xem hội Gióng 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/5 (tức mùng 9 tháng 4 âm lịch), Hà Nội đón cái nắng 38 - 40oC, nhưng hàng chục ngàn người dân nô nức về trẩy hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội).

Lượng người tham gia đông bởi đây là lễ hội độc nhất vô nhị, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, và được tổ chức với nghi lễ năm chẵn (5 năm một lần).
Lễ rước kiệu cô Tướng tại hội Gióng Phù Đổng 2015	Ảnh: Hà Thanh
Lễ rước kiệu cô Tướng tại hội Gióng Phù Đổng 2015 Ảnh: Hà Thanh
Hội Trận, nơi đánh trận của các ông Hiệu (mô phỏng Thánh Gióng đánh giặc) – nghi lễ đặc biệt nhất của Hội Gióng Phù Đổng diễn ra từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 26/5 tại bãi cờ Đống Đàm và Đống Viên. Cả ngàn người đứng chen chúc để xem lễ rước các ông Hiệu ra ngoại đàn và thưởng lãm các màn diễn xướng đặc sắc. Người già, trẻ nhỏ, nam nữ thanh niên mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn hào hứng đón xem hội Trận dưới trời nắng gay gắt.

Theo ông Trần Xuân Tĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, thành viên Ban tổ chức lễ hội: “Hội Gióng năm 2015 có quy mô lớn, hơn 1.000 người tham gia dàn trận gồm các vai diễn chính như: Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung Quân, hai Hiệu Tiểu cổ, mỗi gia đình ông Hiệu có 25 gia nhân đăng ký tham gia. Cách đây hơn 2 tháng các vai diễn chính đã được Ban tổ chức tập luyện cho từng vị trí tham gia lễ hội. Số người tháp tùng mỗi ông Hiệu lên tới cả trăm người. Năm nay cũng do hội tổ chức theo năm chẵn nên có vai diễn của 28 cô Tướng với số lượng gia nhân mỗi cô cũng tới gần trăm người. Rồi tới, đội Phù Giá, phường Ải Lao, phường Áo Đỏ, phường Áo Đen...”.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, trú tại xóm Từ, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng – gia nhân ông Hiệu trống cho biết: Sau lần cướp lộc khiến một người dân phải nhập viện năm 2010, công tác đảm bảo an ninh của Ban tổ chức tại lễ hội lần này đã được thắt chặt hơn.

Theo đó, lực lượng công an đã được huy động tối đa, ngoài 200 người mặc đồng phục, còn khoảng hơn 300 người mặc thường phục đan xen trong các đội rước để bảo vệ ông Hiệu, bà Tướng, phù giá… Ban tổ chức cũng yêu cầu, bữa trưa trước khi diễn ra hội Trận các thành viên tham gia lễ hội không được uống rượu, thanh thước của lực lượng bảo vệ được thay bằng thước nhựa để tránh thương vong. Ngoài ra, bãi Đống Đàm được xây sân khấu, bãi Đống Viên xây mương rạch xung quanh để ngăn cách hiện tượng quá khích của du khách khi cướp lộc.

Mặc dù công tác tổ chức đã được cải thiện nhưng tình trạng xô xát trong màn cướp lộc (cướp manh chiếu trận, bướm hồng) tại bãi Đống Viên và bãi Đống Đàm vẫn xảy ra. Sau hiện tượng đánh nhau ở hội Gióng Sóc Sơn đầu năm 2015, và nay là hội Gióng Phù Đổng Gia Lâm, có lẽ cần phải có phương án bài bản bảo đảm an ninh đối với một lễ hội có nhiều nghi thức đặc biệt như lễ hội này.