Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), vượt 1% so với kế hoạch đầu năm. Có được kết quả đó là vì ngoài thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo chung, các địa phương còn triển khai tốt các chính sách đặc thù tại các huyện nghèo.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến công tác giảm nghèo toàn quốc tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh.
|
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của cả nước nói chung, ở hầu hết các địa phương nói riêng chưa thực sự vững chắc. Bởi lẽ, hầu hết các địa phương đều cho biết, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%.
Để công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững, Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2010 đề ra mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm.
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, tính đến tháng 1/2015, toàn TP có 34.409 hộ nghèo, với 147.589 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,91% tổng số hộ dân cư. Theo chuẩn nghèo của T.Ư, Hà Nội có 11.075 hộ nghèo, chiếm 32,19% tổng số hộ nghèo của TP. Năm 2015, Hà Nội phấn đấu giảm 3.500 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP so với năm 2014 là 0,2%; không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.