Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chênh lệch lớn thu nhập lao động chính thức và phi chính thức

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức gia tăng đáng kể. Người lao động phi chính thức làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân thấp nhất.

Lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn

Báo cáo tổng quan lao động có việc làm phi chính thức ở Hà Nội giai đoạn 2021 – 2023 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện vừa công bố cho thấy: năm 2021, Hà Hội có 1,86 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 54,45% tổng số lao động có việc làm. Đến năm 2022 số lao động phi chính thức là 1,64 triệu người (giảm 11,81% so với năm trước) nhưng vẫn chiếm 47,88% tổng số lao động có việc làm. Đến năm 2023, số lao động phi chính thức trên thị trường lao động Hà Nội là 1,89 triệu người (tăng 15,3% so với năm trước) và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm.

Khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức gia tăng đáng kể. Ảnh minh họa: Thủy Trúc.
Khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức gia tăng đáng kể. Ảnh minh họa: Thủy Trúc.

Lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn đáng kể so với lao động chính thức. Thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 6,305 triệu đồng (bằng khoảng 63% thu nhập của lao động chính thức). Năm 2022 thu nhập của lao động phi chính thức là 8,572 triệu đồng, bằng khoảng 80% thu nhập của lao động chính thức. Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động phi chính thức là 8,303 triệu đồng (bằng khoảng 71% thu nhập của lao động chính thức).

Xét về giới tính thì có sự phân hóa rõ ràng trong thu nhập giữa lao động phi chính thức nam và nữ. Nam giới dù làm công việc chính thức hay phi chính thức thì đều có thu nhập cao hơn nữ giới trong cùng nhóm khoảng 3 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập của lao động chính thức nam đạt 10,140 triệu đồng, của nữ giới nhóm này đạt 7,441 triệu đồng; thu nhập của lao động phi chính thức nam đạt 9,407 triệu đồng, của nữ giới nhóm này là 7,452 triệu đồng.

Lao động phi chính thức ở Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong bối cảnh phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức và chuyển đổi số:. Ảnh: Thủy Trúc.
Lao động phi chính thức ở Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong bối cảnh phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức và chuyển đổi số:. Ảnh: Thủy Trúc.

Theo khu vực thành thị - nông thôn, khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức gia tăng đáng kể. Tại khu vực thành thị, chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức là khoảng 4 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 – 2023 của lao động chính thức là 12,026 triệu đồng so với chỉ 7,916 triệu đồng của lao động phi chính thức). Ở khu vực nông thôn, mức chênh lệch này khoảng 1,5 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 – 2023 của lao động chính thức là 9,037 triệu đồng so với 7,617 triệu đồng của lao động phi chính thức).

Sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn có thể xuất phát từ điều kiện làm việc, cơ hội làm việc và sự phát triển kinh tế khác nhau. Ở thành thị, các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, lao động ở nông thôn thường làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các công việc thời vụ, thu nhập bấp bênh.

Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập thấp nhất

Báo cáo tổng quan cũng chỉ ra, vị thế của người lao động có ảnh hưởng đáng kể đến mức chênh lệch về thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức. Trong giai đoạn 2021 – 2023, lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn khoảng 2,4 – 3,7 triệu đồng so với lao động chính thức. Mức chênh lệch cao nhất ở nhóm chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh và nhóm chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh (chênh lệch 9,2 triệu đồng năm 2022). Điều này phản ánh những khó khăn mà chủ cơ sở phi chính thức phải đối mặt, chẳng hạn về vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định...

Người lao động phi chính thức làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân thấp nhất. Ảnh: Ánh Ngọc.
Người lao động phi chính thức làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân thấp nhất. Ảnh: Ánh Ngọc.

Tiếp đến là nhóm lao động tự làm gồm những người tự làm ở các cơ sở có đăng ký kinh doanh có mức thu nhập cao hơn những người tự làm tại những cơ sở phi chính thức không có đăng ký kinh doanh là 4,4 triệu đồng. Đối với nhóm lao động làm công hưởng lương thì mức chênh khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, lao động phi chính thức thường phải đối mặt với sự bất ổn về công việc, thiếu các quyền lợi cơ bản và khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là thấp nhất, lần lượt các năm 2021 – 2023 là 4,652 triệu đồng/tháng, 7,062 triệu đồng/tháng và 4,745 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác trong cùng giai đoạn, cụ thể khu vực Dịch vụ lần lượt là 6,359 triệu đồng/tháng, 9,340 triệu đồng/tháng, 8,456 triệu đồng/tháng; khu vực Công nghiệp lần lượt là 6,255 triệu đồng/tháng, 7,404 triệu đồng/tháng, 8,080 triệu đồng/tháng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng cần có chính sách phù hợp để chuyển đổi lao động phi chính thức sang làm việc chính thức. Ảnh: Thủy Trúc.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng cần có chính sách phù hợp để chuyển đổi lao động phi chính thức sang làm việc chính thức. Ảnh: Thủy Trúc.

Thứ hạng về thu nhập của lao động phi chính thức làm việc trong các ngành kinh tế không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, ở tất cả các ngành, thu nhập bình quân của lao động phi chính thức nam luôn cao hơn nữ. Mức chênh lệch cao nhất ghi nhận được ở ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản, thu nhập của nam cao gấp 2,5 lần thu nhập của nữ, đã tạo ra khoảng cách lớn về mức sống và khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế của lao động nữ. Ở các ngành khác, mặc dù mức chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ không lớn bằng ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt, với mức chênh lệch xấp xỉ 1,5 lần.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, lao động phi chính thức ở Hà Nội đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức và chuyển đổi số hiện nay. Những yếu tố này cần sự quan tâm và chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang làm việc chính thức, hướng tới sự phát triển bền vững và giải thiểu lao động phi chính thức. Hơn nữa, giảm thiểu việc làm phi chính thức là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia.