KTĐT - Các doanh nghiệp phải đảm bảo giá bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn luôn thấp hơn giá bán các sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng, chất liệu, mẫu mã của các đơn vị đang phân phối tại thời điểm đăng ký ít nhất là 15% trong suốt thời gian thực hiện bình ổn (từ 1/5 đến 31/10).
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ chi 25,22 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2011-2012 trên địa bàn thành phố.
Tham gia chương trình năm nay, gồm các công ty Công ty Cổ phần Viễn Đông, Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Tiến, Văn hóa Phương Nam, Minh Tiến, Trương Vui, Hương Mi, May Sài Gòn 2, Thời trang Dệt may Việt Nam, Hợp tác xã Thương mại thành phố và trong đó có 2 đơn vị không nhận vốn hỗ trợ của chương trình.
Đại diện Sở Công thương thành phố cho biết, lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn mùa tựu trường năm nay chiếm khoảng 20-30% nhu cầu tiêu dùng của học sinh với 3 nhóm mặt hàng thiết yếu như vở học sinh có số lượng 14,4 triệu quyển (33%), đồng phục học sinh 560.000 bộ (20%), cặp-ba lô-túi xách 450.000 cái (32%).
Các doanh nghiệp phải đảm bảo giá bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn luôn thấp hơn giá bán các sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng, chất liệu, mẫu mã của các đơn vị đang phân phối tại thời điểm đăng ký ít nhất là 15% trong suốt thời gian thực hiện bình ổn (từ 1/5 đến 31/10).
Tuy nhiên, trong trường hợp nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đăng ký thì các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán thông qua sự thẩm định của Sở Tài Chính và được chấp thuận bằng văn bản. Ngược lại, nếu thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên (giá bán bình ổn chỉ còn thấp hơn thị trường khoảng 10%) thì các đơn vị cũng phải điều chỉnh giảm giá bán tương ứng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất-kinh doanh, các phương thức bán hàng hiện đại như: thương mại điện tử, bán hàng qua điện thoại và đa dạng hóa kênh phân phối, đặc biệt là tại các quận, huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa…