Chỉ 32,38% DN có khả năng tiếp cận và vay được vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là con số được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN” được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Ông K. Balasingam, Tổng giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) cho biết trong cộng đồng DN trên thế giới, loại hình DNNVV có số lượng lớn, đóng vai trò lớn giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Ở Việt Nam, hàng năm, lực lượng DNNVV tạo thêm 500.000 lao động mới, đóng góp hơn 40% GDP, sử dụng 51% lao động. Tuy nhiên, trong hiện tại, cộng đồng DNNVV Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về nguồn vốn. Hiện chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được vốn, các DN còn lại sử dụng nguồn vốn tự có hoặc phải vay với lãi suất cao.
Chỉ 32,38% DN có khả năng tiếp cận và vay được vốn - Ảnh 1
Theo ông Phạm Ngọc Long, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cả nước có khoảng 500.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của DN. Suốt từ 2012 đến nay, khu vực DNNVV ở tình trạng đông nhưng không mạnh, năng lực cạnh tranh không cao, quy mô nhỏ dần đều.

Thông tin về khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế Asean 2015, ông Long cho biết “hiện chỉ có 32,38% DN cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên, 35,24% DN phản ánh là khó tiếp cận, số còn lại không thể tiếp cận vốn”.

Theo đó, tính hết tháng 6-2014, tỷ lệ dự nợ khu vực DNNVV chiếm 25%, con số này gần như không có nhiều thay đổi so với các năm trước, thậm chí có xu hướng giảm. Tỷ lệ tiếp cận và được bảo lãnh rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao. Tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi còn chậm. Tóm lại, việc tiếp cận vay vốn mới với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng đối với số DNNVV là rất khó khăn.

Theo ông Long, nguyên nhân trực tiếp của vấn đề này là do các ngân hàng thương mại quá thận trọng, co cụm, có phần bảo thủ và e ngại đồng thời cũng là do chúng ta đã “hình sự hóa” hoạt động tín dụng. Thủ tục, điều kiện tín dụng mới “siết chặt”, trở nên phức tạp và quá sức đối với DN.

Cũng theo ông Long, “chính sách tín dụng của hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay quá bó hẹp với khách hàng “truyền thống”, khách hàng “VIP”, nên thường xem nhẹ và “làm ngơ” DN mới khởi nghiệp. Chính sách mới về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV mặc dù được Chính phủ ban hành và có chỉ đạo từ lâu, nhưng vào cuộc sống rất chậm”.

Để giải quyết vấn đề tiếp cận vốn vay cho các DNNVV, ông Long kiến nghị “cần hỗ trợ DNNVV liên quan đến thị trường, đất đai, vốn, công nghệ... một cách đồng bộ, đồng thời đổi mới cách tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng và bảo lãnh tín dụng ngân hàng theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV một cách hiệu quả nhưng không tăng gánh nặng nợ xấu cho ngân hàng.

Điều này cũng góp phần làm tan băng nợ xấu, giải quyết được cả vấn đề về sức mua vì DN đã có điều kiện hồi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cần chấp nhận cho vay tín chấp, cụ thể là tín chấp có điều kiện”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần