Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ cần Bộ chủ động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt 1 đăng ký xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã kết thúc ngày 20/8.

Chỉ cần Bộ chủ động - Ảnh 1Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng xung quanh nội dung về thi và xét tuyển.

Căng thẳng, áp lực quá dài

Là người làm công tác đào tạo và trực tiếp tham gia chỉ đạo xét tuyển sinh, ông có thể cho biết ưu điểm của đợt 1 xét tuyển theo phương thức mới?

- Với việc TS thi có điểm rồi mới đăng ký xét tuyển giúp cho các trường dồi dào nguồn tuyển, nhất là những cơ sở đào tạo có thương hiệu. Học viện Ngân hàng có 2.800 chỉ tiêu, nhưng hồ sơ nộp vào đến gần 5.000 tạo điều kiện để trường lựa chọn được những TS chất lượng. Đối với TS, các em có cơ hội được lựa chọn trường, ngành phù hợp với năng lực, sở thích. Cách lựa chọn này chắc chắn và ít rủi ro hơn. Đó là những ưu thế của phương thức xét tuyển mới và cũng tương tự với các nước tiên tiến đang làm.

Vậy theo ông, những tồn tại là gì?

- Theo tôi, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chính là thi “2 chung” (sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ) vẫn còn những băn khoăn, tồn tại cần có hướng giải quyết. Thứ nhất, chất lượng của 38 cụm thi khó có thể đồng đều mặc dù chung đề thi, chung quy trình, chung quy chế và hoạt động thanh tra giám sát sát sao, kể cả cụm thi địa phương có sự tham gia của trường ĐH. Tuy nhiên cũng không thể chặt chẽ và đồng đều bởi chỉ cần một khâu nào đó trong 2 khâu quan trọng là coi thi và chấm thi lỏng một chút là có tác động đến kết quả thi.

Thứ hai, qua công tác xét tuyển bộc lộ những khó khăn, căng thẳng, áp lực cho TS trong quá trình dài. Trước đây, TS căng thẳng trong mấy ngày thi. Nhưng xét tuyển theo cách mới, các em chịu áp lực trong 20 ngày, thậm chí đã sang ngày 21/8 vẫn chưa thể biết chính xác kết quả xét tuyển của mình. Tiếp đến, quy trình và phương pháp rút trả hồ sơ, trường nào chủ động có cách làm khoa học thì tốt cho TS; những trường lúng túng, TS và phụ huynh càng vất vả, khó khăn. Thực tế, có không ít TS phải vài ngày mới nhận được hồ sơ rút ra. Trong suốt thời gian đăng ký xét tuyển, nhiều phụ huynh phải xin nghỉ làm để đưa con đến những đô thị lớn thuê chỗ trọ với giá đắt đỏ. Cùng với đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt, di chuyển. Nhiều gia đình khả năng tài chính hạn hẹp, có khi phải bán thứ nọ thứ kia, thậm chí phải vay mượn. Đành rằng không phải tất cả TS đều trong tình trạng ấy, nhưng từ thực tế nhà trường làm công tác xét tuyển và phản ánh từ dư luận xã hội, nhất là nhiều phụ huynh và TS không hài lòng, cho thấy đó là vấn đề không thể lảng tránh được. Những tồn tại này cần được quan tâm để sang năm giải quyết được.

Đăng ký trực tuyến

Vừa rồi, Bộ khẳng định năm 2016 vẫn có kỳ thi THPT quốc gia. Nếu có góp ý để kỳ thi đạt kết quả tốt hơn, ông sẽ đề xuất gì?

- Nếu Bộ GD&ĐT vẫn chủ trương thi theo “2 chung” thì phải cải tiến tất cả các khâu. Riêng khâu xét tuyển làm sao giải quyết được những hạn chế, bất cập để đỡ khó khăn, tốn kém cũng như bức xúc cho xã hội, TS và phụ huynh. Để khắc phục được những điều đó, chỉ cần Bộ chủ động, bởi qua một năm thực hiện đã rút ra được kinh nghiệm và tìm cách khắc phục được. Với khâu đề thi, cần có tính phân loại tốt hơn. Điểm thi THPT quốc gia 2015, phổ điểm cao hẳn đã rõ nhưng rất nhiều TS đạt 20, 21 điểm. Cho nên, các em rất khó để lựa chọn trường này rồi lại sang trường kia, bởi nhiều khi các trường hơn nhau về số lượng TS đăng ký vào, điểm chênh lên một chút thì các em có điểm mấp mé lại trượt, phải chạy sang trường khác. Và cứ như thế giống như tạo sóng, rất mệt cho TS và nhà trường.

Thực tế, đợt 1 xét tuyển vừa qua có nhiều trường hợp TS đến rút hồ sơ để nộp sang trường khác nhưng lại chưa được xóa dữ liệu ở trường cũ càng khiến các em và gia đình thêm phần mệt mỏi. Ông có góp ý gì về phần mềm xét tuyển sinh?

- Việc TS rút hồ sơ nhưng chưa được xóa dữ liệu ngay là có xảy ra, bởi độ trễ thông tin, điều này khó tránh khỏi. Thực tế, có những trường có hàng trăm, hàng ngàn TS đến rút hồ sơ nên không đủ nhân lực xóa tên ngay trong phần mềm. Để giải quyết việc này, tôi nghĩ năm sau, phần mềm tuyển sinh của Bộ cho phép TS đăng ký trực tuyến qua mạng để giảm bớt tốn kém.

Trong đợt 1 xét tuyển, nhất là những ngày cuối, với áp lực phải đỗ ĐH, nhiều TS chọn giải pháp trúng vào một trường là “tốt lắm rồi”. Sinh viên học ngành mình không thích, chất lượng đào tạo có bảo đảm?

- Đó là bất cập, không đạt được mong muốn mục tiêu. TS giỏi đỗ vào ngành mình yêu thích thì việc học mới có động lực và khâu đào tạo sẽ hiệu quả. Còn học một cách miễn cưỡng thì rất khó có chất lượng. Hiện, nhiều trường đào tạo song bằng, cũng là cách giúp TS có cơ hội chọn ngành mình yêu thích, nhưng cũng rất vất vả. Dù sao cũng có cơ hội là tốt rồi, chỉ cần họ cố gắng.

Hướng đến kỳ thi đánh giá năng lực

Có ý kiến cho rằng, sang năm, để tạo điều kiện cho TS được lựa chọn ngành mình yêu thích, trong 4 nguyện vọng (NV) xét tuyển ở đợt 1, NV1 nên là chính, 3 NV còn lại là phụ. Ông có đồng tình?

- Nếu thế thì xác định thế nào là NV chính, NV phụ? TS băn khoăn ở chỗ theo thứ tự ưu tiên là xét tuyển NV1, nếu khả năng không nằm trong top an toàn thì xét tiếp NV2, 3, 4 - như vậy có bình đẳng với NV1 của TS đăng ký vào ngành đó? Hiện nay, quan điểm của Bộ là bình đẳng, nếu không sẽ không đưa ra mỗi ngành có 4 mức điểm xét tuyển. Ở đây, vấn đề là có chống ảo được không? Xét theo hình thức này là chống được ảo, bởi có phần mềm lọc rất tốt. TS được điều chỉnh 4 NV trong 20 ngày, nếu thấy không an toàn ở NV nào thì xin điều chỉnh sang NV sau.

Thời gian xét tuyển đợt 1 kéo dài 20 ngày, với 4 đợt xét tuyển hết 100 ngày, có ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường không, thưa ông?

- Tôi thấy 20 ngày xét tuyển đợt 1 là quá dài, quá mức cần thiết. Tất nhiên, việc Bộ thiết kế thời gian dài là để tạo điều kiện cho TS ở vùng sâu, vùng xa, nhưng tôi nghĩ thay vì 3 tuần nên rút xuống còn 2 tuần là đủ. Cũng không nên có 4 đợt xét tuyển kéo dài tới hơn 3 tháng, bởi như thế việc tổ chức đào tạo rất trễ và không đủ thời gian. Các trường tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 thì tương đối ổn, tuy rằng thời gian tựu trường có chậm hơn. Như Học viện Ngân hàng, năm nay khóa học mới sẽ chậm hơn 1 tuần và kỳ đầu chỉ tổ chức được 5 học phần thay vì 6 như các khóa trước. Với những trường việc tuyển sinh lai rai vài đợt sẽ bị phá vỡ kế hoạch đào tạo.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH mong muốn năm 2016, Bộ GD&ĐT tổ chức thi “3 chung”. Bộ đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, còn việc xét tuyển thế nào là việc của các trường. Ông thấy thế nào?

- Tôi ủng hộ quan điểm đó, bởi theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các trường tự chủ tuyển sinh. Chỉ cần Bộ có ngân hàng đề thi, in sao đề, các trường bỏ kinh phí ra đề thi. Bởi hiện nay, nhiều trường yếu nhất là khâu ra đề vì không đủ nhân sự và khâu bảo mật đề thi. Nếu Bộ để các trường tổ chức coi thi, chấm thi, thì họ sẽ làm chặt chẽ và yên tâm với chất lượng đầu vào của mình.

Còn tương lai, có thể hướng đến kỳ thi THPT quốc gia theo hướng đánh giá năng lực đã được ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện mang lại bước đầu thành công. Hơn nữa, cách làm này đang được nhiều nước tiên tiến thực hiện. Sẽ có các trung tâm khảo thí độc lập được thành lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm. Và TS sử dụng kết quả thi đó để xét tuyển vào các trường ĐH là phù hợp nhất.

Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm trước xã hội
Chiều 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo với Phó Thủ tướng về việc triển khai công tác xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đợt 1 năm 2015. Theo đó, đến ngày 20/8, có gần 570.000 thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trước hết có thể thấy chủ trương một kỳ thi hai mục đích là chủ trương đúng nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh có thể đỗ vào trường ĐH, giải quyết tình trạng có những thí sinh được điểm cao nhưng vẫn bị trượt như các năm trước. Đồng thời giúp tăng thêm nguồn tuyển cho các trường. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh phải thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong đợt 1 là gần 43.000 em, chiếm 8,1% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, đợt 1 này đã bộc lộ những bất cập khiến cho nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng, căng thẳng, chạy đôn chạy đáo từ trường này sang trường khác để rút và nộp hồ sơ… Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đợt 1 xét tuyển sinh đã bộc lộ những bất cập. Đó là, để cho thí sinh đăng ký 4 ngành và để điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian dài 20 ngày; quy định liên quan tới hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa hợp lý; tình trạng đi lại chầu chực ở các trường ĐH dẫn tới sự tốn kém, phiền hà. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, có phần rất lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và những hiệu ứng ngược trong những giải pháp thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Thay mặt cho Bộ tôi xin nhận trách nhiệm về việc này" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Để khắc phục những vướng mắc này cho các đợt xét tuyển sau, trưa 21/8, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn thực hiện xét tuyển các NV bổ sung. Thứ nhất, trong đợt 2 sẽ không có việc điều chỉnh các NV như đợt 1. Thí sinh đăng ký bằng phiếu đăng ký lấy từ trên mạng gửi về qua sở GD&ĐT, các trường THPT - nơi thí sinh học. "Tôi đảm bảo những thông tin các cháu đăng ký được chuyển về các trường nơi các cháu có nguyện vọng đăng ký. Chúng tôi chỉ đạo các trường ĐH và CĐ nhanh chóng công bố kết quả xét tuyển sinh đợt 1, đồng thời công bố chỉ tiêu còn lại mà các trường xét tuyển trong đợt 2. Trong đợt 2 chúng tôi cũng chỉ đạo các trường công bố ngay kết quả xét tuyển khi các trường có đủ các hồ sơ đăng ký của các cháu" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết.