Vừa qua, Văn phòng đại diện Báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh có nhận đơn của ông Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1936) và vợ là bà Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1933 cùng trú tại số nhà 04 đường số 1, khu biệt thự sông Ông Lớn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tố cáo chấp hành viên (CHV) Trần Quốc Khánh thuộc Chi cục thi hành án (THA) dân sự quận 1, TP Hồ Chí Minh đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc THA bản án phúc thẩm số: 1016/2015/KDTM-PT ngày 21/8/2015 của Tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Ngày 16/7 gia đình ông Đạt trở về căn nhà của mình nhưng bị bảo vệ của ngân hàng chặn lại không cho vào nhà. |
Theo nội dung đơn tố cáo, ngày 4 tháng 7 năm 2016 CHV Trần Quốc Khánh đã xuống Vĩnh Long gặp bà Năm (bà Năm bị bệnh nặng nên phải về quê để dưỡng bệnh) là người phải thi hành bản án 1016/2015/KDTM-PT để đưa thông báo số: 2871/TB-THADS ngày 29/6/2016 “V/v cưỡng chế thi hành án” với nội dung như sau: “Bằng biện pháp kê biên, bán phát mãi tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số: 129 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Thời gian cưỡng chế: 8 giờ 30 ngày 15/7/2016”, thông báo này do CHV Trần Quốc Khánh ký. Lúc này, chỉ có bà Năm ở nhà (bà Năm không biết chữ, lớn tuổi, yếu ốm đau đã nhiều năm, có lúc tỉnh lúc mơ) nhưng CHV Trần Quốc Khánh đã ép bà Năm ký nhận hồ sơ giấy tờ mà không biết nội dung trong đó là gì!
Sau khi biết chuyện, ông Đạt (chồng bà Năm) đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng đề nghị hoãn việc thi hành án để chờ cấp trên xem xét giải quyết. Bởi trước đó, ông Đạt có gửi đơn “Tố cáo tham nhũng trong hoạt động ngân hàng cấu kết với hoạt động tư pháp” (có bút phê của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 23/3/2016 gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị xử lý tránh gây thiệt hại cho vợ chồng ông Đạt) liên quan đến việc thế chấp tài sản cho người thứ 3 vay tiền mà bản án số 1016/2015/KDTM-PT ngày 21/8/2015 của Tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử mà ông Đạt và bà Năm đang kêu oan và có đơn gửi Chánh án TAND Tối cáo đề nghị kháng nghị bản án này theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vào lúc 8 giờ 30 ngày 15/7 việc cưỡng chế kê biên vẫn được THA quận 1 tiến hành. CHV Trần Quốc Khánh đã cho người phá khóa cửa căn nhà để thực hiện việc kê biên và giao tài sản bao gồm cả động sản và bất động sản cho người được THA là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Hóc Môn.
Trong đoàn cưỡng chế kê biên này có sự tham gia của Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân quận 1. Tuy nhiên, vị đại diện VKS đã không đồng ý ký vào Biên bản kê biên này. “Chúng tôi không đồng ý ký Biên bản là bởi THA thực hiện vượt quá thẩm quyền trong việc kê biên tài sản khi giao cả động sản và bất động sản của người phải THA cho người được THA. Chúng tôi đã có báo cáo sự việc lên VKSND thành phố để xin ý kiến xử lý”, một cán bộ VKS quận 1 cho biết. Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng: Kê biên tài sản trong THA dân sự là việc CHV thực hiện tính toán ghi chép cụ thể chủng loại, kích thước, hiện trạng các tài sản để tránh trường hợp tài sản bị tẩu tán, phá hủy nhằm đảm bảo cho thủ tục xử lý tài sản về sau. Trong trường hợp tài sản là nhà đất, CHV cần phải áp dụng điều 69 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014. Theo đó, CHV ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản là nhà đất của người phải THA. Khác với tài sản là động sản, nhà đất khi hoàn tất thủ tục kê biên phải giao cho chủ sở hữu quản lý. Việc CHV thực hiện kê biên tài sản là nhà đất và áp dụng Điều 58 Luật thi hành án dân sự để giao cho phía được THA (ngân hàng) quản lý là trái qui định pháp luật. Điểm b Khoản 1 Điều 58 có đề cập người được giao quản lý tài sản “Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản”. Ở đây chúng ta cần hiểu toàn diện qui định này vì trong Khoản 3 tiếp tục qui định thêm “Người được giao bảo quản tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải THA chịu”.
VKS không ký biên bản kê biên |
Như vậy rõ ràng tinh thần điều luật nêu ra mục đích giao cho người có điều kiện bảo quản là do chủ sỡ hữu vì lý do khách quan mà không thể bảo quản nên phải chịu phí bảo quản và việc không có bảo quản này sẽ dẫn đến tài sản bị hư hại, mất trộm…. Không thể áp dụng qui định này để giao tài sản là nhà đất cho người có điều kiện bảo quản là bên được THA (ngân hàng) bảo quản trong khi chờ thực thi các thủ tục THA tiếp theo (định giá, tranh chấp sở hữu (nếu có), chờ bán đấu giá).