Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn: Đừng quá hoang mang

Nguyễn Nga thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người chăn nuôi không nên quá hoang mang, bởi phần lớn các chủng cúm A trên gia cầm chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống và có vaccine để tiêm phòng đại trà định kỳ, cũng như tiêm phòng bổ sung. Đây là khẳng định của Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Chăn nuôi gia cầm tại Công ty CP Tiên Viên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hải Linh
Trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến dịch xuất hiện?
- Từ ngày 3 - 9/2/2020, Hà Nội phát hiện 4 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại 4 hộ gia đình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Theo nhận định của chúng tôi, nguyên nhân bùng phát dịch có thể do đây là khu vực đã từng xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 cuối năm 2018. Tại khu vực này lại có nhiều ao hồ, kênh, mương thông nhau, người dân đi lại tiếp xúc nhiều nơi cũng là nguyên nhân mang mầm bệnh về. Trong khi đó, một số hộ chủ quan không chủ động tiêm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, khiến dịch bùng phát. Đến thời điểm hiện tại chưa phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm nào trên địa bàn.
Tuy nhiên, với thời tiết mưa phùn, lạnh, ẩm ướt như hiện nay sẽ làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Đặc biệt, trên địa bàn TP, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động chống dịch gia cầm còn thấp. 
Việc bùng phát dịch sẽ khiến nhiều hộ dân có tâm lý lo sợ bán tháo đàn hoặc giấu dịch. Vậy ngành nông nghiệp có giải pháp gì để kiểm soát tình trạng này?
- Cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút... Đặc biệt, bệnh có thể lây sang người. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang, bởi chúng ta đều có đã có kinh nghiệm phòng chống.
- Ngay sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền đại phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh theo quy định. Cùng với đó tổ chức tiêm phòng bao vây cho đàn gia cầm khỏe mạnh chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại khu vực ổ dịch và các thôn giáp ranh với thôn có dịch. Tổ chức triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch và khu có nguy cơ cao theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. 
Ông có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi trong việc tái đàn và phòng bệnh trong thời gian tới?
- Trong thời điểm hiện nay, người dân cần bình tĩnh, thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt. Đối với những loại gia súc, gia cầm giống nhập từ ngoại tỉnh cần phải kiểm tra, kiểm soát kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Riêng cơ sở chăn nuôi lợn, khi tái đàn phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương. Việc quan trọng nhất là cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tiêm vaccine bảo vệ đàn vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần