Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây triển khai bệnh án điện tử phục vụ khám chữa bệnh
Kinhtedothi - Ngày 17/7, Bệnh viện (BV) Đa khoa Sơn Tây tổ chức Hội đồng chuyên môn tư vấn triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là BV công lập thứ 18 của TP triển khai hệ thống này phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trước đó, Hà Nội có 17/42 BV công lập đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, gồm: Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Đông Anh, Đa khoa Vân Đình, Đa khoa Hòe Nhai, Đa khoa Sóc Sơn, Đa khoa Ba Vì, Đa khoa Quốc Oai, Đa khoa Mỹ Đức, Nhi Hà Nội, Đa khoa Phú Xuyên, Đa khoa Hoài Đức, Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, Đa khoa huyện Mê Linh, Nam Thăng Long và Đa khoa Hà Đông.
BV Đa khoa Sơn Tây có quy mô 440 giường kế hoạch, 446 giường thực kê, gồm 24 khoa và 5 phòng chức năng, tổng số nhân lực hơn 400 cán bộ, nhân viên. Mỗi ngày BV tiếp nhận trung bình hơn 500 lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng 300 bệnh nhân.

Hội đồng chuyên môn tư vấn triển khai bệnh án điện tử khảo sát thực tế, kiểm tra các hệ thống HIS, LIS, RIS, PACS tại một số khoa lâm sàng và cận lâm sàng.
Nhận thức được vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, BV đã từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và số hóa quy trình khám chữa bệnh. Năm 2023, BV Đa khoa Sơn Tây đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS), hoàn thiện số hóa các phân hệ theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT. Các phân hệ được xây dựng đồng bộ bao gồm liên thông hai chiều với hệ thống xét nghiệm LIS, quản lý nghiên cứu khoa học, nhân sự, đào tạo và quy trình kỹ thuật.
BV cũng đã chủ động nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng các tiêu chí của Thông tư 54. Trong đó, nhiều hạng mục đã được đầu tư như hệ thống máy chủ, tường lửa, thiết bị lưu trữ NAS, hệ thống lấy số tự động, tích hợp chữ ký số, chữ ký điện tử trên toàn bộ biểu mẫu khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú; triển khai đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân theo Đề án 06 của Chính phủ và tích hợp thanh toán không dùng tiền mặt.
Xác định việc phát triển công nghệ thông tin y tế, ứng dụng phần mềm thông minh trong công tác quản lý điều hành rất quan trọng và cần thiết. Ngày 1/5/2025, BV Đa khoa Sơn Tây đã chủ động triển khai thí điểm bệnh án điện tử toàn BV và xây dựng Đề án triển khai bệnh án điện tử, giai đoạn 2025-2027.
Các phần mềm quản lý thông tin BV (HIS), hệ thống xét nghiệm (LIS), hệ thống chẩn đoán hình ảnh (RIS) được tích hợp, kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội, hệ thống PACS kết nối các thiết bị chẩn đoán hình ảnh.
Tại hội nghị, đại diện BV Đa khoa Sơn Tây đã báo cáo kết quả triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, Thông tư số 46/2018/TT-BYT và Thông tư số 13/2025/TT-BYT của Bộ Y tế. Hội đồng chuyên môn tư vấn triển khai bệnh án điện tử đã tiến hành khảo sát thực tế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kiểm tra các hệ thống HIS, LIS, RIS, PACS tại một số khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Qua khảo sát, hệ thống công nghệ thông tin của BV Đa khoa Sơn Tây đáp ứng đầy đủ các điều kiện triển khai bệnh án điện tử. Hội đồng đã thống nhất bỏ phiếu công nhận BV đủ điều kiện thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

Hội đồng chuyên môn tư vấn triển khai bệnh án điện tử khảo sát thực tế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Quý Tường – Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn khẳng định, việc triển khai bệnh án điện tử là xu thế tất yếu và vô cùng cần thiết trong lộ trình chuyển đổi số ngành y tế. BV Đa khoa Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các hợp phần quan trọng, trong đó hệ thống phòng máy chủ được trang bị đầy đủ thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử.
PGS.TS Trần Quý Tường nhấn mạnh vai trò của việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là cân bằng tải toàn hệ thống, cải tiến phần mềm, bổ sung các kiosk thông minh phục vụ việc tiếp đón người bệnh. BV cần tiếp tục trang bị chữ ký số cho toàn bộ các bác sĩ, đồng thời ban hành quy trình quản lý, sử dụng chữ ký số theo đúng quy định. Bên cạnh đó, BV trang bị thêm máy in mã vạch tại các khoa, phòng, nghiên cứu áp dụng các công cụ chatbot hỗ trợ chuyên môn và xây dựng phần mềm lưu trữ dữ liệu bệnh án điện tử có tính bảo mật cao.
“BV cần hoàn thiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, tránh làm mất dữ liệu, triển khai các phần mềm cảnh báo lâm sàng trong lĩnh vực dược và khám chữa bệnh, tiến tới từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị” - PGS.TS Trần Quý Tường lưu ý.

Hà Nội: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hoàn thành triển khai bệnh án điện tử
Kinhtedothi - Ngày 2/7, Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông tổ chức hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Đây là BV thứ 17 trên tổng số 42 BV công lập của TP Hà Nội hoàn thành triển khai bệnh án điện tử.

Hà Nội: bệnh viện thứ 16 triển khai bệnh án điện tử
Kinhtedothi - Ngày 27/6, Bệnh viện (BV) Nam Thăng Long tổ chức Hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Đây là BV công lập thứ 16 của TP triển khai hệ thống này.

Hà Nội: 15/42 bệnh viện hoàn thành triển khai bệnh án điện tử
Kinhtedothi - Ngày 26/6, Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Tính đến nay, Hà Nội đã có 15/42 BV công lập hoàn thành triển khai bệnh án điện tử, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số ngành y tế Thủ đô.