Chi ngân sách - đừng để “chuyện đã rồi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi bấm nút phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước 2013 vào ngày 10/6 tới, tại buổi thảo luận chiều 28/5, các Đại biểu (ĐB) Quốc hội kiến nghị những tồn tại về mặt kỷ cương ngân sách (NS) phải được khắc phục sớm.

Năm 2013, Quốc hội thông qua dự toán thu 816.000 tỷ đồng; chi 978.000 tỷ đồng; bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Sau đó nâng lên tỷ lệ 5,3%. Rồi đến cuối năm khi quyết toán bội chi NS lại trình thông qua là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP.

Việc tăng bội chi những năm trước cũng đã xảy ra thường xuyên nhưng mức độ tăng 1,3% GDP là khá lớn và điều này, theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên), đó là thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Việc không nghiêm này thể hiện ở chỗ: tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh và Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không đúng theo quy định hiện hành (Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước và nghị quyết của Quốc hội). Song cũng như những lần bội chi vượt dự toán khác, việc phát sinh này được xem như sự đã rồi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán phần tăng thêm.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) bức xúc, không lẽ phải chấp nhận tình trạng kỷ luật ngân sách luôn bị vi phạm bởi lề thói chi tiêu trước, báo cáo sau và cứ thế quyết toán? Cũng theo ĐB, bội chi tăng cao không chỉ làm tăng nợ công mà thất thoát lãng phí và vận hành của bộ máy tạo thành tiền lệ trong việc quản lý sử dụng NS.

Liên quan đến kỷ luật NS, đáng chú ý, ĐB Quốc Khánh (Hà Nội) chỉ ra, chi thường xuyên vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định. Trong dự toán chi hàng năm, các khoản cho giáo dục chiếm 20%, khoa học công nghệ 2%, y tế thì cao hơn. Quốc hội rất quan tâm tới 3 ngành này. Nhưng thực tế là nhiều khoản chi lại không đạt dự toán (chi không hết), đồng tiền không phát huy hiệu quả. Đây là điều đáng tiếc, bởi nguồn lực đã bị lãng phí, làm cho các ngành này không phát triển nhanh hơn. “Đáng chú ý đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp” - ĐB đoàn Hà Nội nói.

Lý giải về việc mức bội chi tăng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do phải tăng chi từ vốn ngoài nước, chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến như Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Đường sắt Đô thị Hà Nội - Hà Đông… và phải trả nợ cho Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng vì năm 2010 và 2011, NSNN khó khăn chưa có nguồn để trả nợ. Để bù đắp bội chi, ngân sách đã phải vay trong nước 180.347 tỷ đồng; vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng. “Tính đến 31/12/2013, dư nợ chính phủ bằng 42,6% GDP, nợ nước ngoài bằng 37,3% GDP; nợ công bằng 54,5% GDP” - ông Dũng thông báo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện nhiều món chi sai chế độ; việc triển khai nhiệm vụ chi NS ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định, nhất là đối với các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông” - ông Dũng cho biết.

Nhận định về công tác quản lý thu NSNN năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng cũng cần nói thêm là dự toán nhiều khi chưa phù hợp với thực tiễn, nên cần đưa ra dự toán trung hạn. Về sai phạm trong chi NS, ông Hiển chia sẻ: Có những cái là sự đã rồi nhưng không phải tất cả. Vì có kiểm toán, nếu phát hiện sai trái, nhiều khoản chi sẽ được thu hồi. Tất nhiên, cũng không phải khoản chi sai nào cũng loại được ngay nhờ kiểm toán, song khi kiểm tra lại, nếu thấy vẫn sai thì cơ quan giám sát có thể yêu cầu xuất toán.