Chỉ nhà trường lo chưa đủ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 kết thúc, học sinh khối 9 và khối 12 trên địa bàn Hà Nội đã đến trường học trực tiếp theo kế hoạch.

Từ 8/2, có thêm khối 7, 8, 10, 11 (cấp THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) đến trường. Với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, UBND TP thống nhất chủ trương bước đầu cho học sinh tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2.

Sở GD&ĐT sẽ có đánh giá sơ bộ, nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận được đến trường.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định, TP sẽ chỉ đạo để có lộ trình an toàn cho tất cả học sinh ở các lứa tuổi đi học trực tiếp. Trong các quyết định, UBND TP Hà Nội đều yêu cầu các nhà trường phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn để có phản ứng nhanh với các tình huống phát sinh dịch khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. 100% các trường phải xây dựng kịch bản xử trí khi có F0 trong trường trong thời gian học sinh học trực tiếp. Khâu rà soát, theo dõi sức khỏe học sinh phải được các trường phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện chặt chẽ.

Ở một động thái khác, ngày 7/2, Bộ GD&ĐT đã có Công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, TP về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Công điện nêu rõ: Các trường tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của bộ phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Mặt khác, không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện các biện pháp căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Đặc biệt, tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp học sinh không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bộ cũng yêu cầu các trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Như vậy, có thể nói ngành GD&ĐT, các ngành hữu quan, các địa phương cùng các nhà trường, cơ sở giáo dục đã chuẩn bị mọi điều kiện để toàn bộ học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2 này một cách an toàn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sau nhiều tháng không đến trường.

Mặc dù công tác chuẩn bị đã kỹ càng, chi tiết, nhưng khi cho con em đến trường, nhiều bậc cha mẹ vẫn không khỏi có những băn khoăn, lo lắng, đặc biệt với các khối lớp tiểu học. Sự lo lắng đó là có cơ sở bởi các em còn nhỏ, chưa thực sự có ý thức và cũng chưa thành thạo kỹ năng thực hiện các biện pháp phòng dịch. Chính bởi vậy, trong mọi kế hoạch, chỉ đạo của UBND TP cũng như ngành GD&ĐT đều đề cập đến sự đồng thuận và phối hợp của cha mẹ học sinh. Cần thấy rõ, phối hợp với nhà trường là việc cần làm, là trách nhiệm của mỗi bậc phụ huynh vì sức khỏe và niềm vui được đến trường của con em mình.

Như vậy cũng có thể nói, chỉ nhà trường và các cơ quan chức năng lo chưa đủ, mà còn cần sự vào cuộc ráo riết, triệt để, có trách nhiệm của các bậc phụ huynh với việc chuẩn bị thật đầy đủ tâm thế, điều kiện và thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh khi tới trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần